Bí thư 70 tuổi 'đi từng ngõ, gõ từng nhà', hướng dẫn người dân chuyển đổi số
Đã 70 tuổi, ông Trần Ngọc Cát - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định vẫn mày mò học hỏi, đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân dùng điện thoại thông minh chuyển đổi số.
Thôn An Hoà là vùng đất nhỏ nằm ở phía đông của xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Nơi đây có Chùa Bà - Nước Mặn, được xem là một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và nổi tiếng linh thiêng, lưu giữ những giá trị tinh thần đặc biệt với người dân địa phương và là nơi gắn với cảng thị Nước Mặn nổi tiếng một thời.
Thời gian gần đây, người dân ở các nơi về tham quan Chùa Bà – Nước Mặn và thôn An Hoà đều khá bất ngờ bởi hầu hết người dân trong thôn, kể cả những cụ ông, cụ bà lớn tuổi có thể sử dụng điện thoại di động thông minh hướng dẫn người dân quét mã QR tìm hiểu thông tin về Chùa Bà cũng như giới thiệu những thông tin địa phương.
Ông Trần Ngọc Cát hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng nền tảng số. Ảnh: Diễm Phúc
“Tới Chùa Bà, thôn An Hoà tôi thấy từ những cụ ông 70, 80 tuổi còn có thể sử dụng điện thoại thông minh hướng dẫn chúng tôi quét mã QR trước chùa để tìm hiểu thông tin, đây là một điều khá bất ngờ. Với độ tuổi này, thường thì người ta khó sử dụng điện thoại thông minh nhưng ở đây những cụ ông, cụ bà này làm được. Đây là một sự lan toả mạnh mẽ ”, chị Nguyễn Thị Thu Hà, một du khách đến từ Hải Phòng chia sẻ.
Để đạt được những điều này, từ nhiều tháng qua, ông Trần Ngọc Cát (70 tuổi, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn An Hòa) cùng nhiều thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” sử dụng điện thoại di động thông minh, cài và sử dụng các ứng dụng nền tảng số như: VNeID, Bình Định Smartcity, Cổng dịch vụ công quốc gia, hoạt động thương mại điện tử (Postmart, Voso), thanh toán trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa,…
Người dân quét mã QR tìm hiểu thông tin về Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị nước mặn. Ảnh: Diễm Phúc.
Ông Cát cho biết, mới đầu khi nghe phổ biến về chuyển đổi số, về điện thoại di động thông minh và các ứng dụng trên thiết bị này, ông như "đi lạc vào đám rừng, nghe lùng bùng hết cả lỗ tai mà không hiểu gì". Nhưng ông tâm niệm, trước hết bản thân mình phải học, phải sử dụng các ứng dụng thành thạo thì mới thuyết phục và hướng dẫn được cho bà con.
Vì thế, ông Cát đã đầu tư sắm cho mình một chiếc điện thoại di động thông minh. Bên cạnh việc được hướng dẫn sử dụng từ các lực lượng cấp xã, ông thường xuyên mày mò, học hỏi để có thể sử dụng thành thạo các nền tảng số trên điện thoại này.
“Tôi học liên tục từ cán bộ xã, học từ người trẻ, học tới đâu thực hành luôn tới đó. Bây giờ tôi đã có thể sử dụng thành thạo tất cả các ứng dụng trên điện thoại rồi. Tôi lấy chính bản thân mình ra làm ví dụ về người cao tuổi cũng có thể sử dụng và thuyết phục người dân. Nhà nào chưa nói, chưa thuyết phục được trong 1 lần thì mình đi 2, 3 lần. Từ chỗ mình nói, cộng theo những điều họ thấy thì họ sẽ hiểu”, ông Cát nói.
Sau khi được ông Cát và các thành viên trong tổ công nghệ số cộng đồng vận động, chia sẻ, đến nay đã có 140/142 hộ dân có ít nhất 1 thiết bị điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, máy tính với 352/360 người trưởng thành trong thôn sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet; 9/9 hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất buôn bán, may mặc, cơ khí… sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng các nền tảng số để quảng bá, buôn bán sản phẩm và đặt mã QR Code để người dân thanh toán trực tuyến.
Thôn thông minh
Không chỉ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”, thời gian qua, chính quyền UBND xã Phước Quang cũng đã đầu tư lắp đặt hệ thống hạ tầng mạng wifi miễn phí tại Nhà văn hoá - Khu thể thao thôn An Hoà để người dân sử dụng.
Đầu tư lắp đặt hệ thống tắt mở điện ở nhà văn hoá thôn bằng ứng dụng thông minh trên điện thoại. Lắp đặt hệ thống camera tại các vị trí ra vào thôn An Hoà, nhà văn hoá thôn với tổng 6 camera để giám sát an ninh trật tự trên địa bàn.
Ban Quân chính thôn An Hoà cũng đã thành lập nhóm Zalo Cộng đồng thôn An Hoà, nhằm chia sẻ các thông tin, các thông báo, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… phục vụ cho việc thông tin, tuyên truyền đến nhân dân trong thôn. Đặc biệt, thường xuyên đưa tin, truyền tải mục đích, ý nghĩa và các tiện ích mang lại của việc cài đặt và sử dụng ứng dụng nền tảng số.
Ông Trần Ngọc Cát thường xuyên mài mò, học hỏi sử dụng thiết bị thông minh. Ảnh: Diễm Phúc
“Điện thoại thông minh bây giờ chỉ có 1 triệu mấy một cái, tôi mong bà con sử dụng. Nó có rất nhiều tiện ích, đi ra đường không cần phải đem nhiều giấy tờ, chỉ cần điện thoại thông minh tích hợp các ứng dụng là đầy đủ rồi. Ngoài ra, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, các thông tin bão, lũ, thông báo đều được cập nhật lên một cách kịp thời”, ông Cát cho hay.
Để đảm bảo an toàn thông tin, thời gian qua, chính quyền địa phương, Ban Quân Chính thôn An Hoà thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn người dân không được tích hợp các trang mạng không rõ nguồn gốc, không cung cấp các mã OTP cho người khác dưới bất kỳ hình thức nào….
Ông Đoàn Quốc Tịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Quang cho biết, quan trọng nhất trong công tác chuyển đổi số hiện nay là hình thành thói quen, thay đổi nhận thức của người dân.
“Quan trọng là phải thay đổi được thói quen và nhận thức của người dân, để từ đó người dân hiểu, nhận thấy lợi ích và sử dụng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, chỉ đạo các Tổ công nghệ số cộng đồng tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” chuyển đổi số, nhân rộng mô hình thôn thông minh ra toàn xã”, ông Tịnh nói.