Chuyển đối số ngành du lịch: Phát triển đồng bộ các nền tảng hướng đến những thành công

Những nỗ lực tích cực và quảng bá chuyển đổi số trong ngành du lịch của Việt Nam, đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội, đã mang lại những kết quả đáng kể.

chuyen-doi-so-du-lich

Nhận thức rõ về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong ngành du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung phát triển cơ sở dữ liệu và nền tảng số kết nối thông tin. Nhiệm vụ này không chỉ đặt ra để đáp ứng nhu cầu chính sách và quản lý nhà nước mà còn hỗ trợ doanh nghiệp và khách du lịch trong nước cũng như quốc tế.

Đặc biệt, Chính phủ đã đề cập đến việc giải quyết tình trạng "trăm hoa đua nở" về ứng dụng và website du lịch. Điều này đã dẫn đến sự rắc rối và khó khăn trong công tác quản lý. Để giải quyết vấn đề này, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã triển khai một loạt các hoạt động chuyển đổi số, đặc biệt là xây dựng các nền tảng số du lịch ở tầm quốc gia.

chuyen-doi-so-du-lich

 Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh là sản phẩm chiến lược trong hệ sinh thái du lịch thông minh

Dưới sự tập trung và nỗ lực của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, một số nền tảng số du lịch quan trọng đã được hình thành và đưa vào vận hành. Tiêu biểu là một số nền tảng:

Thẻ Việt - Thẻ du lịch quốc gia: Sản phẩm hợp tác giữa Cục Du lịch Quốc gia và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. Thẻ này tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, tạo ra trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời kết nối với các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, giao thông, thương mại điện tử và tiện ích khu dân cư.

Ứng dụng du lịch quốc gia "Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel": Hỗ trợ toàn diện cho du khách với nhiều tính năng như tìm kiếm thông tin du lịch, đặt phòng, thanh toán điện tử và gửi phản ánh về chất lượng dịch vụ.

Nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch: Môi trường số kết nối các doanh nghiệp và cơ quan quản lý du lịch.

Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch: Nền tảng dữ liệu thống nhất phục vụ công tác quản lý từ Trung ương đến địa phương.

Hệ thống vé điện tử: Kiểm soát chính xác số lượng người vào và giúp quản lý vé tham quan theo hướng khoa học.

Hệ thống Thuyết minh đa phương tiện: Giới thiệu thông tin về điểm du lịch bằng nhiều phương tiện như văn bản, hình ảnh, âm thanh, và video.

Là thành phố tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số ngành du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, trên cơ sở Chương trình phối hợp giữa Sở Du lịch Hà Nội và Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ký kết đầu năm 2021 trong việc nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội quyết tâm tập trung đầu tư làm mới trên các yếu tố về sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất, nhân lực, quảng bá xúc tiến và đặc biệt là chuyển đổi số trong ngành du lịch một cách thiết thực, hiệu quả.

chuyen-doi-so-du-lich

 Ứng dụng công nghệ QR Code thể hiện những thông tin cơ bản về hạng mục, hiện vật tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Trong báo cáo 9 tháng năm 2023, Sở Du lịch TP Hà Nội nhận định chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng đưa du lịch Hà Nội đến với thành công. Du lịch Hà Nội đón 18,9 triệu lượt du khách, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 3,2 triệu lượt, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2022, khách nội địa ước đạt 15,7 triệu lượt, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 69,3 nghìn tỷ đồng, tăng 66,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội đã không ngừng nỗ lực trong việc đầu tư làm mới sản phẩm và dịch vụ du lịch thông qua chuyển đổi số. Nhiều tiện ích như hệ thống thuyết minh tự động Audio Guide, ứng dụng hướng dẫn tham quan trên điện thoại, vé điện tử, trải nghiệm thực tế ảo VR 360 đã được triển khai thành công tại các điểm du lịch ở Hà Nội.

Không chỉ riêng Hà Nội, nhiều tỉnh, thành phố khác như Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam,... cũng đã bắt đầu thành công trong việc triển khai chuyển đổi số. Việc này không chỉ mang lại lợi ích cho du khách mà còn nâng cao sức cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Với sự sẵn sàng của sản phẩm và công nghệ, đây là thời điểm các địa phương, doanh nghiệp cần tăng tốc triển khai áp dụng các nền tảng số ở tầm quốc gia của ngành du lịch. Việc này sẽ tạo nên sự liền mạch và thống nhất về dữ liệu, kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể trong ngành du lịch, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho du khách và góp phần đưa du lịch phát triển bền vững và hiệu quả trong thời gian tới.

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022.
Theo Tạp chí Điện tử Chất lượng Việt Nam