Chuyển đổi số: Giải pháp mang lại tăng trưởng bền vững cho Bà Rịa - Vũng Tàu
Khoảng cách giữa Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh thành phố trong nước, cũng như các thị trường quốc tế trở nên phẳng hơn, nhưng chuyển đổi số vẫn là con đường khó đi.
Chuyển đổi số đang diễn ra trong hầu hết các loại hình doanh nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với nhiều mức độ khác nhau.
Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) cho biết, công ty đã áp dụng chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Đến nay, các dữ liệu của Baseafood đã cơ bản cập nhật, lưu trữ qua điện toán đám mây.
Trước đây, Baseafood thường tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại và đàm phán đơn hàng trực tiếp với đối tác, tốn kém chi phí, thì hiện nay, chúng tôi có thể tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và thế giới, đàm phán với các đối tác thông qua các giao dịch thương mại điện tử, với chi phí thấp, ông Dũng cho biết.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với các đơn vị liên quan đưa 100% thông tin, hình ảnh các sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử, tạo hơn 25.000 tài khoản dữ liệu số và gian hàng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Sở hỗ trợ nhiều doanh nghiệp triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh QR code nhằm minh bạch thông tin về nguồn gốc hàng hóa, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu.
Trợ lý ảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI được tích hợp App IOC Bà Rịa - Vũng Tàu
Chuyển đổi số đang thúc đẩy phát triển kinh tế số của Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo thuận lợi cho tiêu thụ hàng hóa và đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên, TS. Trương Thành Công, Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tại hội thảo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 15/9 vừa qua, cho rằng, quá trình chuyển đối số của tỉnh đang chịu nhiều thách thức.
Theo TS. Trương Thành Công, nguồn lực tài chính hạn chế, nền tảng công nghệ chưa đủ mạnh và nhận thức của các nhà quản trị chưa đúng về kỹ năng số là những vấn đề chính, cản trở quá trình chuyển đổi số của Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trên thế giới và trong nước, nhiều doanh nghiệp lựa chọn giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản trị kinh doanh, theo GS.TSKH Hoàng Văn Kiếm, nguyên Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước ngành Công nghệ Thông tin, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh vẫn ngại rủi ro khi áp dụng công nghệ cao.
“Chuyển dịch sang mô hình mới chỉ mang lại hiệu quả khi các doanh nghiệp cần nhất quán về quản trị, kế hoạch chuyển đổi và phương thức triển khai, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng nguồn lực, tiềm năng và dự đoán được các rủi ro”, GS. TSKH Hoàng Văn Kiếm cho biết.
Lãnh đạo các phòng, ban TP. Vũng Tàu cùng lãnh đạo phường 1 và người dân gắn biển “Tuyến đường văn minh đô thị và thanh toán không dùng tiền mặt” tại đường Lý Tự Trọng
Kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu đang chuyển biến tích cực, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8,1 - 8,5% trong năm 2023. Số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, tổng vốn đầu tư phát triển 9 tháng ước khoảng 42.124 tỷ đồng, đạt 71,61% kế hoạch và tăng 12,39% so với cùng kỳ (Kế hoạch cả năm 6,54%). Giải ngân vốn đầu tư công đạt 56,63% tổng kế hoạch vốn 2023.
“Chúng tôi kỳ vọng chuyển đổi số sẽ tác động đến chiến lược kinh doanh, tạo ra sự thay đổi toàn diện lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết.
Theo ông Hiền, Bà Rịa - Vũng Tàu những năm gần đây đã xây dựng và thực hiện nhiều chính sách về chuyển đổi số, đặc biệt quan tâm đến kinh tế số, nhằm đạt tăng trưởng 35-37% vào năm 2030. Theo thống kê 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ này mới đạt 6,8% do nhiều doanh nghiệp chưa tham gia vào xu hướng này.
“Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai các chính sách hỗ trợ về tài chính và công nghệ, nhằm giúp các doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ các hoạt động chuyển đổi số”, ông Hiền nói.
Theo các nhà phân tích, các mục tiêu về chuyển đổi số của Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn có thể mang lại hiệu quả cao hơn, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Thứ nhất, đối với nhóm doanh nghiệp chưa thực hiện chuyển đổi số, nhận thức và kỹ năng số của doanh nghiệp có thể thay đổi thông qua các khóa học dành cho doanh nghiệp, tham gia các kênh truyền thông chuyển đổi số quốc gia.
Thứ hai, với nhóm doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi số, cần thúc đẩy các hoạt động của doanh nghiệp trên môi trường mạng, thông qua các nền tảng như điện toán đám mây. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên chọn những nền tảng phù hợp, tính năng dễ khai thác, nhằm phục vụ chính xác nhu cầu của doanh nghiệp.
Thứ ba, sự chung tay của chính quyền địa phương thông qua các hoạt động xây dựng hạ tầng và kết nối với cổng dịch vụ công trực tuyến, kết hợp các chi nhánh ngân hàng xây dựng các trạm dịch vụ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.
TS. Trương Bá Hà, Giám đốc Công ty phần mềm PSC, gợi ý Bà Rịa - Vũng Tàu có thể xem xét xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể khảo sát, đánh giá đúng hiện trạng để phát triển một chiến lược và kế hoạch chi tiết về chuyển đổi số và số hoá dữ liệu của công ty mình. Theo TS. Trương Bá Hà, việc thúc đẩy chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng đối với khả năng phục hồi và tăng trưởng của Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Chuyển đổi số không còn là xu hướng, nhưng mức độ thành thạo trong ứng dụng công nghệ số của doanh nghiệp còn hạn chế, ứng dụng công nghệ số ở các lĩnh vực chế biến, chế tạo, quản lý chuỗi cung ứng, cung cấp dịch vụ ở mức rất thấp. Hiện nay, công nghệ số mới chỉ được ứng dụng trong bán hàng, quản trị kinh doanh, thanh toán. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp cho hiệu quả thấp, các hoạt động số hóa hạn chế, phổ biến tâm lý lo ngại về bảo mật thông tin. Một số doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số chưa thực sự cần thiết, trong khi một số khác chưa xác định được lộ trình chuyển đổi số. Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp vừa nhà nhỏ, giai đoạn 2023-2025, với mục đích triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nghị định của Chính phủ, văn bản hướng dẫn có liên quan, chú trọng nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả, Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung vào việc nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp. Tính đến hết năm 2022, tỉnh có 11.549 doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm tỷ lệ 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. |