Chuyển đổi số giúp ngành giáo dục Quảng Ninh quản lý tốt giáo viên, học sinh

Nhiều trường học tại Quảng Ninh hiện đang ứng dụng những công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao công tác quản lý, đánh giá chất lượng giảng dạy.

Giảm nhân lực quản lý sau khi áp dụng chuyển đổi số

Với tâm huyết với chuyển đổi số, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, TP Hạ Long, Quảng Ninh thầy giáo Phạm Ngọc Quang luôn đi đầu sáng tạo, tìm tòi, nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, điều hành, giảng dạy, được ngành giáo dục thành phố và tỉnh ghi nhận. 

Theo thầy giáo Quang, ngày nay, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng chung trong mọi ngành nghề, khắp mọi nơi trên toàn cầu. Giáo dục cũng không phải là ngoại lệ. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát làm đình trệ mọi hoạt động kinh tế - xã hội, học sinh không thể đến trường, chuyển đổi số thực sự trở thành một quá trình mà kết quả của nó có thể là một diện mạo giáo dục hoàn toàn mới, với phương thức, cách thức, phương pháp, kỹ thuật, công cụ và phương tiện mới. 

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc thầy giáo Phạm Ngọc Quang luôn áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, điều hành.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc thầy giáo Phạm Ngọc Quang luôn áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, điều hành. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Chính vì thế, từ năm 2021 khi đang là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thầy Quang đã áp dụng phần mềm quản lý điểm, mã định danh học sinh, giáo viên; phần mềm quản lý cán bộ , phần mềm tập huấn bồi dưỡng thường xuyên, đánh giá công chức (ETEP, TEMIS, K12online). 

Thầy Quang đã xác định được mục tiêu chuyển đổi số đó là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung làm nền tảng xây dựng quy trình, công cụ, ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục.

Tổ chức nhiều buổi bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin để các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong nhà trường thực hiện có hiệu quả khi triển khai các phần mềm. 

Nhờ đó, tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đã thực hiện số hóa toàn bộ các hồ sơ, sổ sách, quy trình làm việc - nhiệm vụ rất quan trọng mang tính tiên quyết trong công cuộc chuyển đổi số. 

Toàn bộ hồ sơ, sổ sách liên quan đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được chuyển sang định dạng kỹ thuật số và có thể lưu trữ tài liệu trên Cloud. 

Tháng 6, khi làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (được tách ra từ Trường Tiểu học Trần Quốc Toản), thầy Quang tiếp tục kiên trì với mục tiêu chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái chung để đồng bộ tất cả dữ liệu cũng như các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục thời gian qua đã được nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh áp dụng, thực hiện có hiệu quả tại các đơn vị trường học. 

Cô giáo Ngô Thị Thái, giáo viên Trường Tiểu học Hạ Long chia sẻ, thời gian qua nhà trường được đầu tư trang thiết bị hiện đại, như loa, đài, micro, kết nối wifi, bảng thông minh. 

Đây là cơ sở rất thuận lợi để cô giáo cùng học sinh sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong các tiết dạy. Đặc biệt, cô Thái đang sử dụng phần mềm để thực hiện đánh giá học sinh theo hình thức trắc nghiệm. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, cô Thái có thể kiểm tra được kiến thức của tất cả học sinh.

Các tiết học của cô giáo Ngô Thị Thái

Các tiết học của cô giáo Ngô Thị Thái (giáo viên Trường Tiểu học Hạ Long) luôn thu hút học sinh khi sử dụng các phần mềm công nghệ trong giảng dạy.

Cơ sở giáo dục thích ứng nền tảng số

Đến nay, 100% cơ sở giáo dục ở Quảng Ninh có đường truyền internet cáp quang và máy tính phục vụ công tác quản lý điều hành. 

Giai đoạn 2014-2020, Quảng Ninh đã đầu tư 105 phòng họp trực tuyến cho các cơ quan quản lý giáo dục, 89 trường phổ thông, trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên. 

Quảng Ninh cũng đầu tư trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin với 1.395 phòng học tương tác thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến cho 89 trường phổ thông. 

Riêng dự án trường học thông minh được triển khai cho 57 trường học với 1.236 phòng học thông minh (263 phòng học cấp độ 1 và 973 phòng học cấp độ 2), 58 phòng học/họp trực tuyến, 57 hệ thống camera giám sát hành lang, 12.242 máy tính xách tay, 816 máy điều hòa không khí, 57 hệ thống hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin, mạng LAN, đường truyền FTTH.

Học sinh Trường THCS Trọng Điểm (TP Hạ Long) trình bày kết quả bài làm trên bảng thông minh.

Học sinh Trường THCS Trọng Điểm (TP Hạ Long) trình bày kết quả bài làm trên bảng thông minh.

Hơn nữa, trong thời gian qua, 100% công tác chỉ đạo điều hành của ngành giáo dục Quảng Ninh đều được xử lý trên hệ thống nền tảng dùng chung của tỉnh (hệ thống quản lý văn bản chỉ đạo và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ, dịch vụ công trực tuyến). 

100% văn bản đều được ký số khi giải quyết hồ sơ công việc. 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến, tích hợp vào dịch vụ công quốc gia và xử lý toàn trình theo quy định. 

Các cơ sở giáo dục đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành trên phần mềm quản lý trường học trực tuyến http://qlth.quangninh.edu.vn. 

Hiện nay, hệ thống phần mềm đã thu thập được cơ sở dữ liệu của toàn bộ người học, nhà giáo các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh và được kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD&ĐT. 

Theo đó, 100% trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên được cập nhật đầy đủ thông tin, mã định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu ngành.

Trong đó 100% học sinh lớp 9, lớp 12 có mã định danh cá nhân hợp lệ đã được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ đăng ký thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. 

Đến nay, 100% trường THPT sử dụng cơ sở dữ liệu ngành phục vụ tuyển sinh vào lớp 10. Có 70,4% trường tiểu học, THCS sử dụng cơ sở dữ liệu ngành phục vụ tuyển sinh lớp 1, lớp 6. 

Một tiết học của học sinh Trường THCS Trọng Điểm (TP Hạ Long) có sử dụng máy tính

Một tiết học của học sinh Trường THCS Trọng Điểm (TP Hạ Long) có sử dụng máy tính

Về thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, nhiều trường đã ký liên kết với các ngân hàng thương mại để mở tài khoản trung gian thực hiện thu học phí qua ngân hàng.

Phối hợp hợp với ngân hàng làm thẻ ATM, cấp mã cho học sinh để nộp học phí. Đến nay, toàn tỉnh có 88,5% cơ sở giáo dục chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt. 

Phấn đấu đến 2025, 100% cơ sở giáo dục chấp nhận thu học phí và các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ người học bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. 

Việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục là xu thế tất yếu. Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là về mặt công nghệ mà yếu tố con người mới là điều cần chú trọng. Để chuyển đổi số thành công, thiết nghĩ, mỗi nhà trường cần có nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức chuyên môn chắc chắn và tư tưởng mở, luôn sẵn sàng thay đổi.

Theo Vietnamnet