Chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả giảm nghèo về thông tin ở Như Xuân
Thời gian qua, công tác phối hợp, tổ chức thực hiện các hoạt động chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn huyện Như Xuân được triển khai đồng bộ, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Hoạt động CĐS đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng - an ninh (QP-AN) trên địa bàn huyện Như Xuân.
UBND huyện Như Xuân tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức về CĐS cho công chức cấp xã, tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn, khu phố năm 2023.
Tăng cường tập huấn kiến thức về CĐS
Thực hiện kế hoạch 239/KH-UBND, ngày 21/12/2022 về kế hoạch CĐS trên địa bàn huyện Như Xuân năm 2023, vừa qua, UBND huyện đã tổ chức tập huấn kiến thức về CĐS cho công chức cấp xã; tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn, khu phố năm 2023. Lớp tập huấn nhằm tiếp tục trau dồi kiến thức, kỹ năng về CĐS cho cán bộ cấp xã, thôn, khu phố. Từ đó, nâng cao năng lực của nguồn nhân lực thực hiện công tác CĐS mà nòng cốt là công chức tại các xã, thị trấn và tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, khu phố trên địa bàn huyện.
Được tham gia lớp tập huấn, ông Nguyễn Bá Lợi, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Xuân Thượng, xã Thượng Ninh - là thành viên tổ công nghệ số ở cộng đồng thôn, cho biết: "Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Xuân Thượng có 4 thành viên gồm đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn; bí thư chi đoàn thanh niên; chi hội phụ nữ; chi hội nông dân. Nhiệm vụ, chức năng của tổ công nghệ số cộng đồng, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, tuyên truyền cho bà con trong cộng đồng khu dân cư về công tác CĐS; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tham gia làm căn cước công dân, thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử; vận động Nhân dân tham gia chương trình phổ cập điện thoại thông minh. Thôn Xuân Thượng có 203 hộ, 896 nhân khẩu, chủ yếu dân tộc Kinh, Thái, Thổ. Đến nay, 100% bà con thực hiện cấp tài khoản định danh điện tử; 100% bà con thực hiện kê khai phổ cập điện thoại thông minh. Tham gia lớp tập huấn giúp tôi củng cố thêm kiến thức, chuyên môn, nâng cao hiểu biết, nhận thức về CĐS để tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng khu dân cư thực hiện tốt công tác CĐS ở cơ sở. Hiện nay, số hộ nghèo, cận nghèo của thôn đã giảm nhiều so với trước đây, đời sống người dân ngày càng nâng lên".
Cùng với công cuộc CĐS quốc gia, của tỉnh và của huyện, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn đã chú trọng đến công tác CĐS. Ban hành nhiều chương trình, chính sách, kế hoạch liên quan đến CĐS và tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS là tiêu chí quan trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về CĐS đã được huyện Như Xuân quan tâm và được triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài truyền thanh cấp huyện, xã, các fanpage, trang thông tin điện tử. Đặc biệt, được triển khai thường xuyên và quyết liệt thông qua tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương. Hiện nay, ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Như Xuân đã thành lập ban chỉ đạo CĐS cấp xã, tổ công nghệ số cộng đồng. Đã có 16/16 xã, thị trấn thành lập được ban chỉ đạo CĐS cấp xã và tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, khu phố.
Những kết quả bước đầu trong thực hiện CĐS
Thực hiện Kế hoạch số 15/KH-UBND, ngày 14/1/2022 của UBND huyện Như Xuân về việc thực hiện Nghị quyết số 06/NQ/TU, ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ban Chỉ đạo CĐS huyện Như Xuân được thành lập năm 2022 và được kiện toàn tại Quyết định số 2082/QĐ-UBND, ngày 10/10/2023 của Chủ tịch UBND huyện Như Xuân.
Thời gian qua, hoạt động CĐS đã được cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn huyện Như Xuân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức về CĐS của các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Việc chuyển đổi các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển từ văn bản giấy sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt kết quả bước đầu. Nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực được đưa ra phục vụ kịp thời, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng.
Hiện nay, 16/16 xã, thị trấn có hệ thống phòng họp trực tuyến; 100% lãnh đạo cấp ủy từ cấp xã đến cấp huyện, 100% lãnh đạo cấp phòng trở lên và lãnh đạo các xã, thị trấn được cấp và sử dụng chữ ký số trong chỉ đạo, điều hành; 100% các đơn vị đã thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Tại bộ phận một cửa, toàn bộ thông tin, hồ sơ công việc của công dân được tiếp nhận, lưu trữ trên môi trường điện tử và chuyển liên thông qua hệ thống phần mềm quản lý để giải quyết.
UBND huyện Như Xuân đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với VNPT Thanh Hóa hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể tham gia sàn giao dịch điện tử nông sản Thanh Hóa, đưa nhiều sản phẩm của huyện lên sàn giao dịch điện tử. Hiện nay thuế điện tử, hóa đơn điện tử được phổ cập. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%. Việc thực hiện phát triển xã hội số được huyện Như Xuân triển khai các phần mềm trong hệ sinh thái giáo dục thông minh như phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, cài đặt ứng dụng vnEdu Teacher, vnEdu Connect để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh cập nhật thông tin, tương tác giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Đồng chí Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, cho biết: Việc triển khai thực hiện công tác CĐS đồng bộ từ huyện đến cơ sở đã góp phần góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong phát triển KT-XH, QP-AN, đời sống Nhân dân ngày một nâng lên. Năm 2022, tỷ lệ theo chuẩn nghèo đa chiều của huyện Như Xuân giảm 3,53% (từ 16,94% xuống còn 13,41%, tương đương giảm từ 2.842 hộ còn 2.227 hộ nghèo) vượt kế hoạch đề ra. Tính đến tháng 11/2023, huyện Như Xuân còn 1.661 hộ nghèo/16.705 hộ, chiếm tỷ lệ 9,94% (giảm 566 hộ, chiếm tỷ lệ 3,47%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao 0,47%; vượt chỉ tiêu huyện giao 0,4%); hộ cận nghèo là 2.677 hộ, chiếm tỷ lệ 16,03%; khẩu nghèo 12.182, chiếm tỷ lệ 17,14%.
Trong thời gian tới, huyện Như Xuân tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số đến cấp ủy, chính quyền cơ sở, doanh nghiệp các tầng lớp Nhân dân. Thông qua việc tổ chức các hội nghị, các lớp đào tạo, tập huấn; tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh của huyện, UBND cấp xã về tầm quan trọng và lợi ích của CĐS; xây dựng các tài liệu tuyên truyền về CĐS, chính phủ số, CĐS trong cơ quan Nhà nước. Đồng thời phát huy vai trò các doanh nghiệp công nghệ thông tin – viễn thông trong CĐS; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về CĐS.