Chuyển đổi số trong sản xuất nông sản: Giảm chi phí nhân công, tăng năng suất
Những năm gần đây, lực lượng lao động đang có sự chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp, nông sản sang các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương đã góp phần giảm áp lực về lao động, đồng thời giảm được chi phí nhân công, tăng hiệu quả đầu tư.
Trồng dưa chuột công nghệ cao của Công ty CPSX và đầu tư nông nghiệp CNC Thần Nông tại xã Đại Thắng - huyện Vụ Bản.
Tại Thanh Hóa, trong khu nhà lưới của HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc) luôn có thiết bị cảm biến, kết nối máy tính, điện thoại thông minh qua internet.
Chế độ hoạt động được lập trình sẵn, khi nhiệt độ vượt hoặc thấp hơn ngưỡng tiêu chuẩn, màng chắn sẽ tự động đóng/mở; máy tưới phun sương tự nhận biết độ ẩm để tưới tự động...
Ông Hoàng Văn Toàn, Giám đốc HTX, cho biết: “Những quy trình, công nghệ và kỹ thuật sản xuất thủy canh đã được HTX học tập, áp dụng tại khu sản xuất. Nhờ áp dụng số hóa từ khâu tạo giá thể đến chăm sóc, HTX đã hạn chế được chi phí thuê nhân công, bảo đảm được chất lượng nông sản, khẳng định được uy tín rau, củ, quả an toàn trên thị trường."
Để thực hiện được số hóa trong quá trình sản xuất, HTX đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng khu nhà màng rộng hơn 1.500 m2 để sản xuất nông sản an toàn, đồng thời lắp đặt camera giám sát tại khu nhà lưới để ghi lại thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc và lưu thông tin qua nhật ký điện tử...
Tại Bình Phước, với diện tích trồng và liên kết trồng khoảng 800 ha mít ruột đỏ và vú sữa hoàng kim, HTX Phước Thiện là một trong những HTX đầu tiên của tỉnh ứng dụng công nghệ cao vào trồng và chế biến sản phẩm, hướng đến chuỗi quy trình khép kín từ canh tác, thu hoạch, chế biến sau thu hoạch. Đây cũng là một trong 2 mô hình HTX thụ hưởng chương trình CĐS của tỉnh Bình Phước.
HTX Phước Thiện được lắp đặt wifi, hệ thống tưới tự động bằng ứng dụng công nghệ IoT, camera giám sát vườn cho 2 ha mít ruột đỏ, 1 ha vú sữa hoàng kim theo tiêu chuẩn hữu cơ, đng thời thu thập dữ liệu phục vụ chăm sóc, truy xuất nguồn gốc; CĐS trong quản lý điều hành hoạt động; CĐS trong quản lý sản xuất, kinh doanh; xây nhà xưởng chế biến... Từ đây, HTX chủ động tìm kiếm thị trường qua các kênh thương mại điện tử.
Theo ông Phạm Thanh Chung, Giám đốc HTX Phước Thiện, trước đây, HTX canh tác hồ tiêu, cây ăn trái và nông sản khác theo hướng truyền thống nên hiệu quả rất thấp, lại tốn chi phí công tưới, thiếu lao động, làm gia tăng chi phí đầu vào…
"Việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất đã giảm được nhiều chi phí, không phụ thuộc vào nhân công lao động thuê từ bên ngoài, trung bình 1 ha giảm từ 2-3 triệu đồng/tháng", ông Chung cho biết.
Tại Nam Định, trong những năm vừa qua, ngành nông nghiệp rất quan tâm đến các giải pháp chuyển đổi số. Nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh đã sử dụng thiết bị bay không người lái trong việc phun thuốc trừ sâu, gieo hạt, bón phân, vừa giảm áp lực về nhân công, vừa giúp tiết kiệm chi phí, hạn chế tác động xấu đến sức khỏe con người.
Phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái tại Liêm Hải, Trực Ninh, Nam Định
Các địa phương trong tỉnh Nam Định cũng xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sử dụng nhà màng nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt...
Việc ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp giúp việc phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây trở nên dễ dàng và chính xác hơn, từ đó, người sản xuất sẽ đưa ra những quyết định phù hợp (bón phân, tưới nước, phun thuốc, thu hoạch).
Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp đã giảm được 1/2 chi phí và công lao động, giảm 50% khí thải nhà kính, tăng năng suất lên 30%, làm tăng thu nhập cho nông dân.
Tại Yên Bái, từ năm 2022, gia đình ông Đàm Văn Phương, thôn Tân Thịnh, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên đã đầu tư mua một thiết bị bay không người lái về phun thuốc trừ sâu hại quế của gia đình và các hộ xung quanh.
Nếu như trước đây, khi phun thuốc theo cách thủ công, phun 1 ha quế phải mất một ngày với 4 lao động thì nay, với thiết bị bay không người lái, ông Phương chỉ mất 20-30 phút để hoàn thành.
Sau khi đã đổ đầy thuốc, thiết bị bay sẽ được điều khiển từ xa để tự động phun thuốc theo công nghệ phun sương. Việc áp dụng công nghệ phun bằng máy bay không người lái vào sản xuất sẽ tiết kiệm đến 90% lượng nước, tiết kiệm 20-30% lượng thuốc; góp phần tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí nhân công.
Có thể nói, chuyển đổi số là lời giải cho bài toán thiếu nhân lực trong ngành nông nghiệp.