Công dân số Quảng Ninh: Nhà nông, bà nội trợ sành công nghệ
Hàng vạn người dân Quảng Ninh bắt nhịp nhanh, chủ động áp dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, để rồi trở thành các công dân số thụ hưởng thành quả công cuộc chuyển đổi số.
Người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2023
Mỗi người dân là một công dân số
Cách đây khoảng 4 năm, khi công cuộc chuyển đổi số chưa diễn ra mạnh mẽ như bây giờ, anh Lê Đức Hòa , một nông dân trồng cây ăn quả tại xã Bình Khê (thị xã Đông Triều) không thể tưởng tượng mình có thể trở thành một nhà nông thành công điển hình như hôm nay.
Nhờ ứng dụng KHKT và công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, anh Hòa trồng na, vải và nuôi cá trên 10 ha đất. Riêng diện tích trồng na, được anh đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và điều khiển trên điện thoại thông minh. Cũng với chiếc điện thoại thông minh, anh có thể ngồi ở tính khác mà vẫn vẫn điều chỉnh được mực nước trong ao nuôi, mở van xả nước tự động và kiểm soát được lượng thức ăn cho cá hằng ngày qua phần mềm được kết nối mạng trên điện thoại.
Cùng với việc thường xuyên cập nhật, nâng cao kiến thức về thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), anh Hòa tìm đủ phương thức để quảng bá nông sản của mình đến với khách hàng. Không chỉ tham gia sàn thương mại điện tử riêng của địa phương là Đông Triều Mart (http://dongtrieumart.vn), anh Hòa tự kết nối với nhiều sàn tiêu thụ nông sản thương mại điện tử (Sendo, Lazada, Cuccu…), sử dụng các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo để tiếp cận, bán hàng trực tiếp cho người tiêu thụ. Nhờ ứng dụng công nghệ số trong quảng bá hình ảnh nông sản, đặc biệt là đặc sản na Đông Triều, lại chăm chỉ tham gia tập huấn về công nghệ thông tin, cách thức bán hàng online, các chụp ảnh, quảng bá sản phẩm, nông sản của gia đình anh Hòa đã được nhiều khách hàng biết đến; việc tiêu thụ thuận lợi hơn rất nhiều; lợi nhuận mỗi năm một tăng.
Người dân thao tác đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Anh Hòa chỉ là 1 trong rất nhiều người dân Quảng Ninh đã bắt nhịp nhanh và chủ động áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, để rồi thụ hưởng thành quả công cuộc chuyển đổi số. Chị Nguyễn Thị Lương (phường Yết Kiêu, TP. Hạ Long), đã tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức khi thực hiện mọi thủ tục hành chính... tại nhà. Sau khi lập một tài khoản trên Cổng dịch vụ công để thực hiện việc nộp các hồ sơ trực tuyến, thay vì phải đến tận Trung tâm Hành chính công Thành phố như trước, chị Lương thao tác trên điện thoại thông minh tại nhà mà vẫn hoàn thành các thủ tục hành chính mức độ 4, như cấp đổi giấy phép lái xe, làm khai sinh, trả tiền điện, nước, học phí...; rất nhanh gọn và hiệu quả.
Chủ động trở thành những “công dân số” trong thời đại 4.0, giờ đây người dân Quảng Ninh thường xuyên đi chợ online, tra cứu hay nộp hồ sơ điện tử, đi khám bệnh chỉ cần thẻ căn cước công dân gắn chíp, thực hiện mọi thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, khai hóa đơn điện tử, dùng chữ ký số... đã trở nên phổ cập trên mọi lĩnh vực đời sống của người dân Quảng Ninh.
Nỗ lực phát triển công dân số, kiến tạo hạnh phúc trong xã hội số
Thời đại công nghiệp 4.0, công dân số được ví như chìa khóa mở những “nút thắt” trên hành trình chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số.
Năm 2023, Quảng Ninh trong giai đoạn tập trung nguồn lực để chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột gồm xã hội số, chính quyền số, kinh tế số, trong đó xã hội số được hình thành dựa trên các công dân số. Nhiều tiện ích, cơ sở hạ tầng được tỉnh đầu tư xây dựng, triển khai phục vụ phát triển công dân số.
Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số, Quảng Ninh đang nỗ lực phát triển công dân số, hướng tới mọi công dân Quảng Ninh đều sử dụng công nghệ trong thực hiện các thủ tục hành chính, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo đó, Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia đã được triển khai với nỗ lực cao nhất. Đến nay Quảng Ninh đã cấp căn cước công dân gắn chíp cho trên 95% người dân trên địa bàn. Toàn tỉnh đã thu nhận hơn 330.000 tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để tích hợp các giấy tờ cá nhân của công dân lên ứng dụng VNEID.
Quảng Ninh vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2022
Thống kê đến cuối năm 2023, Quảng Ninh, tỉnh ở giai đoạn hoàn thiện tiến độ làm sạch dữ liệu dân cư. Một trong những tiện ích rõ nhất từ việc số hóa dữ liệu dân cư chính là việc người dân đi khám bệnh tại bệnh viện chỉ cần mang căn cước công dân gắn chíp thay cho thẻ bảo hiểm y tế.
Với ngành giáo dục, Quảng Ninh đã cập nhật được trên 99% mã định danh của cán bộ, giáo viên, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên. Trong đó, hầu hết học sinh lớp 9, lớp 12 dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10, tốt nghiệp trung học phổ thông đã được cập nhật số định danh trên cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục.
Cùng với việc tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng thiết bị di động thông minh tại Quảng Ninh đạt 88%; tỷ lệ vùng phủ sóng thông tin di động đạt 98% các khu vực dân cư, người dân Quảng Ninh đang từng bước làm chủ khoa học công nghệ, phát triển thị trường, nâng cao chất lượng cuộc sống; từ đó kiến tạo hạnh phúc trong xã hội số.