Doanh nghiệp cần quan tâm nắm bắt sớm cơ hội chuyển đổi số
Theo báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số (CĐS) năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Thanh Hóa xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố; trong đó, chỉ tiêu về kinh tế số xếp thứ 14. Mặc dù kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên CĐS trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của tỉnh ta còn rất nhiều cơ hội, tiềm năng để tạo ra những bước thay đổi tương xứng hơn nữa.
Cán bộ Công ty Điện lực Thanh Hóa hướng dẫn khách hàng thanh toán tiền điện qua ứng dụng ngân hàng.
Mặc dù chưa có khảo sát, thống kê nào về số lượng doanh nghiệp (DN) tại Thanh Hóa tham gia vào chương trình CĐS; tuy nhiên bắt kịp xu hướng kinh tế số đã thúc đẩy việc đầu tư, ứng dụng các giải pháp CĐS mạnh mẽ trong cộng đồng DN Thanh Hóa. Nhiều DN đã nhanh chóng thích nghi, tìm kiếm và vận dụng các bộ công nghệ CĐS tối ưu nhằm gia tăng lợi nhuận, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và DN của mình.
Hoạt động trên 2 lĩnh vực sản xuất thép và khai thác dịch vụ cảng biển, Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn đã ứng dụng khá “triệt để” các giải pháp CĐS trong từng lĩnh vực sản xuất. Theo ông Trịnh Thế Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn: "Hiện đơn vị đang áp dụng bộ giải pháp trên nền tảng công nghệ thông tin nhằm hoạch định DN SAP đối với các lĩnh vực như: Quản lý kế hoạch sản xuất, tính toán chi phí sản xuất, tính toán nhu cầu nguyên vật liệu, quản lý hàng hóa, xuất nhập kho, quản lý yêu cầu mua hàng, đơn hàng, quản lý kinh doanh bán hàng, quản lý công tác bảo trì máy móc, quản lý dự án...". Cũng theo ông Dũng, việc ứng dụng các phần mềm số như: phần mềm giám sát điện năng, phần mềm quản trị nhân sự SureHCS, ứng dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử... trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã giúp DN nâng cao sản lượng, chất lượng; đồng thời tăng năng suất và tối ưu hóa đầu vào cho sản xuất. Cùng với đó, việc giám sát từ xa các thông số, các quy trình nhân sự, quy trình thẩm định, phê duyệt văn bản... giúp lãnh đạo DN tối ưu trong quản lý tiến độ công việc, mức độ hoàn thành công việc của nhân sự để có giải pháp quyết định và điều hành kịp thời, hiệu quả nhất.
Còn tại Công ty Điện lực Thanh Hóa (PC Thanh Hóa), xuất phát từ thực tiễn quản trị DN, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về lộ trình CĐS, DN đã đưa ra mục tiêu CĐS thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ; tích hợp công nghệ kỹ thuật số và mô hình quản trị phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa chi phí và nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng khách hàng. Theo đó, đơn vị đã triển khai áp dụng hoàn toàn công nghệ trạm biến áp không người trực điều khiển từ xa tại các trạm biến áp 110 KV; triển khai các công nghệ tiên tiến, tích hợp nhiều chức năng cho hệ thống điện trung áp, hạ áp. Tại TP Thanh Hóa, ngành điện đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng chuẩn mô hình lưới điện hiện đại, thông minh tại một số khu đô thị. Trong dịch vụ chăm sóc khách hàng, PC Thanh Hóa đã thực hiện dịch vụ điện tử cấp độ 4 đến 100% khách hàng tại TP Thanh Hóa.
Cùng với nhiều DN lớn, rất nhiều DN nhỏ và vừa tại Thanh Hóa đã, đang nắm bắt và lựa chọn nhiều giải pháp công nghệ số phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và mang lại hiệu quả vượt trội. Theo số liệu công bố của Ủy ban Quốc gia về CĐS thì đến tháng 8/2023, tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh đạt 8,28%. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Sở Công Thương là đơn vị chủ trì đã tổ chức triển khai nền tảng số kết nối DN sản xuất với các chuyên gia công nghệ và các nhà cung cấp giải pháp chuyên nghiệp để hỗ trợ DN CĐS; tăng cường liên kết kinh doanh theo mô hình hợp tác tiên tiến giữa các DN sản xuất với đối tác trong nước và nước ngoài để tạo ra các giá trị mới, chia sẻ mạng lưới dịch vụ và tài nguyên dữ liệu, thông tin.
Ngoài các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử với hơn 150 sản phẩm OCOP, hơn 11.000 sản phẩm đặc trưng của các huyện; cung cấp hơn 105.815 tem truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ khoảng 850.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà quản lý, chuyên gia cũng như các hiệp hội DN thì mức độ CĐS của DN tại Thanh Hóa còn rất nhiều dư địa để ứng dụng nhằm mang lại bước đột phá hơn trong sản xuất, kinh doanh. Theo ông Đới Sỹ Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN tỉnh thì DN đều nhận thấy CĐS là giải pháp quan trọng và xu hướng tất yếu để tồn tại, nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất; đồng thời cũng là con đường tất yếu tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển linh hoạt trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, ngoài các DN lớn, có hoạch định bài bản tầm nhìn và chiến lược về CĐS đã gặt hái những thành công nhất định thì một bộ phận DN vẫn còn khá “mơ hồ”, lúng túng trong CĐS. Nguyên nhân là do khoảng 90% DN tại Thanh Hóa là DN nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, nguồn lực tài chính vẫn còn hạn chế. Một bộ phận DN còn có tâm lý sợ tốn kém, thiếu nhân lực vận hành và lo ngại về tính an toàn, bảo mật...
Cũng theo ông Nam, "Để sớm gia tăng kinh tế số trong GRDP, các DN cần sớm có lộ trình chuyển đổi phù hợp khả năng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với việc ưu tiên hoạch định nguồn lực tài chính, công nghệ, giải pháp, cần thiết phải đổi mới mô hình kinh doanh để mang lại hiệu quả tối đa khi CĐS. Cùng với đó, các cơ quan Nhà nước cần xây dựng các chương trình, mục tiêu, kế hoạch cụ thể về CĐS trong DN. Trong đó, cần hoạch định lộ trình, mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trong CĐS đối với các DN; đồng thời có những cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ cộng đồng DN trên lộ trình này”.