Dữ liệu số là ‘huyết mạch’ để Đà Nẵng xây dựng thành phố thông minh
Đà Nẵng triển khai thực hiện chuyển đổi số theo 3 trục 'hạ tầng – dữ liệu - thông minh', trong đó, dữ liệu số đóng vai trò nền tảng để hỗ trợ ra quyết định.
Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số. Địa phương này xác định đầu tư xây dựng hạ tầng và dữ liệu số là hạt nhân lan toả, thúc đẩy mục tiêu đến năm 2030 “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN” theo Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị.
Dữ liệu số đem đến thuận tiện cho người dân
Vừa qua, anh Nguyễn Thanh Tuấn (33 tuổi, ngụ phường Bình Thuận, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) làm thủ tục khai sinh cho con. Anh Tuấn ở nhà làm các mẫu đăng ký được cán bộ Tư pháp phường Bình Thuận hướng dẫn và nộp trực tuyến.
Từ các dữ liệu só có sẵn của công dân, cán bộ phường Bình Thuận hoàn thành thủ tục đăng ký khai sinh cho con anh Tuấn và trả kết quả về tận nhà.
“Bây giờ dữ liệu thông tin người dân đã được thu thập và đồng bộ nên tôi thấy thuận tiện hơn. Người dân không phải vất vả di chuyển, một số thủ tục chỉ cần nộp trực tuyến là hoàn thành”, anh Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Quốc – Chủ tịch UBND phường Bình Thuận (quận Hải Châu) cho biết, phường xác định công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Trong đó, dữ liệu số là vấn đề hết sức quan trọng, để tạo ra giá trị mới cần phải có dữ liệu số.
“Từ dữ liệu số, hiện nay phường đã triển khai nhiều dịch vụ người dân có thể ở nhà làm thủ tục như đăng ký khai sinh, làm thủ tục khai tử, đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân…”, ông Quốc thông tin.
Người dân phường Bình Thuận tham gia ngày hội Chuyển đổi số năm 2023.
Theo ông Quốc, UBND phường luôn chỉ đạo đội ngũ cán bộ công chức tập trung công tác cải cách, xây dựng nền hành chính hiện đại, thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, số hoá kết quả giải quyết thủ tục hành chính mới phát sinh; triển khai đồng bộ các giải pháp “làm sạch” đảm bảo dữ liệu từng công dân “đúng, đủ, sạch, sống”.
Tuy nhiên, cần có sự hướng ứng tích cực của người dân từ việc khai thác, sử dụng, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến thì chuyển đổi số mới đem lại hiệu quả.
Kết quả ấn tượng
Cùng với định hướng của Bộ TT&TT chọn năm 2023 là "Năm dữ liệu số quốc gia", TP Đà Nẵng đã lựa chọn chủ đề chuyển đổi số năm 2023 là “Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.
Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, đến nay TP đã cung cấp gần 1.000 tập dữ liệu trên Cổng Dữ liệu mở thành phố (tăng 400 tập dữ liệu so với cuối năm 2022), tích hợp, chia sẻ gần 100 tập dữ liệu từ Cổng Dữ liệu mở thành phố lên Cổng Dữ liệu quốc gia; thông qua Kế hoạch quản trị và phát triển hạ tầng dữ liệu thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cùng với đó, đã hình thành các cơ sở dữ liệu (CSDL) nền như công dân, doanh nghiệp, nhân hộ khẩu, đất đai, cán bộ công chức, xây dựng CSDL không gian đô thị, an toàn thực phẩm... và 560 CSDL chuyên ngành; triển khai phần mềm CSDL và QLNN chuyên ngành các sở, ngành, quận, huyện.
Bước đầu hình thành CSDL hạ tầng đô thị trên nền GIS với các lớp dữ liệu đất đai, quy hoạch xây dựng, giao thông, cấp nước, thoát nước. Trên cơ sở đó, các cơ quan thành phố đã bắt đầu khai thác, sử dụng một số dữ liệu số trong cung cấp dịch vụ số, thay thành phần hồ sơ giấy trong cung cấp dịch vụ công như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sổ hộ khẩu, Giấy đăng ký kinh doanh...
Cổng dữ liệu mở Đà Nẵng đã có hơn 1.100 cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng.
Hình thành kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố phục vụ thu thập, tích hợp, làm sạch, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan khai thác, sử dụng. Kho dữ liệu Đà Nẵng được Bộ TT&TT đánh giá và giới thiệu cho các tỉnh thành thực hiện.
Ngoài ra, đưa vào sử dụng Cổng dữ liệu mở với gần 600 tập dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội với đa dạng kênh tra cứu, khai thác (API, web, SMS, Zalo). Hiện nay đang triển khai mở rộng kho dữ liệu dùng chung phục vụ xử lý dữ liệu phi/bán cấu trúc, phân tích hỗ trợ ra quyết định.
Đến nay, Cổng dữ liệu mở Đà Nẵng đã có hơn 1.100 cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng và với khoảng hơn 4,6 triệu lượt truy cập để tìm kiếm, khai thác, tra cứu thông tin; 860 bộ dữ liệu và hơn 1,2 triệu lượt gọi dịch vụ từ các ứng dụng.
Ngoài công khai để người dân, doanh nghiệp tra cứu, tải về sử dụng; Cổng dữ liệu mở hiện cung cấp 55 bộ dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo, SMS, app moible Danang Smart City...
Ứng dụng Danang Smart City được tích hợp các ứng dụng tra cứu dữ liệu phục vụ người dân.
Điểm nhấn quan trọng và là bước tiến lớn trong quá trình triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh của Đà Nẵng là mới đây TP đã đưa vào vận hành Trung tâm giám sát, điều hành thông minh thành phố (IOC).
Trung tâm IOC Đà Nẵng là nơi thu thập, tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực, ứng dụng thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả. Qua đó, các cơ quan chức năng giám sát, phân tích, hiển thị, giúp lãnh đạo các cấp chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách, tối ưu hóa quá trình ra quyết định và quản lý hiệu quả các nguồn lực của thành phố, cung cấp các dịch vụ chất lượng cho người dân, doanh nghiệp.
Dữ liệu số là “huyết mạch” xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch, TP triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan và các tổ chức; phát triển mạnh kinh tế số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới. Với phương pháp tiếp cận theo mô hình 3 trục là “hạ tầng - dữ liệu - thông minh”:
Trong đó, dữ liệu số đóng vai trò là nền tảng (data centric) trong việc hỗ trợ ra quyết định (data driven). Dữ liệu số được xem là “huyết mạch”, là nguồn tài nguyên quan trọng và là yếu tố then chốt quyết định thành công trong triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng. Trong phạm vi này, gồm 3 hợp phần quan trọng là: Kho dữ liệu dùng chung, Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu và Cổng dữ liệu mở.
Hiện nay, Đà Nẵng đang tiếp tục mở rộng Kho dữ liệu dùng chung để có khả năng thu thập, xử lý các dữ liệu phi/bán cấu trúc (dữ liệu camera, IoT, cảm biến, mạng xã hội...) để chia sẻ cho các ngành, địa phương sử dụng trong chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt cung cấp, chia sẻ các dữ liệu cho Cổng dữ liệu mở để chia sẻ, công khai các dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp; cho phép tái sử dụng để hỗ trợ sáng tạo, khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm, ứng dụng mới.
Trung tâm IOC Đà Nẵng là nơi thu thập, tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực.
Đã có nhiều doanh nghiệp sử dụng Cổng dữ liệu mở Đà Nẵng để tạo ra sản phẩm công nghệ số mới như: Dữ liệu các cơ sở được cấp Giấy chứng nhận An toàn thực phẩm để xây dựng ứng dụng tra cứu cơ sở An toàn thực phẩm; dữ liệu về các bệnh viện, trung tâm y tế để xây dựng ứng dụng về quản lý xe cứu thương.
Ngoài ra, có hơn 10 cơ quan, địa phương các tỉnh, thành phố khác trong cả nước đã đăng ký sử dụng Cổng dữ liệu mở Đà Nẵng để đăng tải dữ liệu và sử dụng các dịch vụ tra cứu dữ liệu trên Cổng dữ liệu mở, để phục vụ nhu cầu khai thác, tra cứu dữ liệu cho người dùng riêng của mình, như: tỉnh Quảng Ngãi; tỉnh Đồng Nai; TP. Hồ Chí Minh; tỉnh Sơn La; Khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội;…
Đặc biệt, từ tháng 1/2023, Đà Nẵng đã thực hiện việc thu phí sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn TP Đà Nẵng đối với các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tra cứu thông tin ngăn chặn, thông tin giải tỏa ngăn chặn; phục vụ cho hoạt động công chứng các hợp đồng, giao dịch. Với quy định này, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện chuyển đổi số đem lại nguồn thu cho ngân sách.
“Kho dữ liệu dùng chung TP theo tinh thần “Dữ liệu đến đâu khai thác đến đó” không cầu toàn và định hướng đúng - đủ - sạch - sống, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TP, cũng như cho các tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số”, ông Thạch chia sẻ.
Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, thời gian tới TP tiếp tục hoàn thiện CSDL đất đai; chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và y tế; sử dụng khai thác hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Triển khai các giải pháp, biện pháp tiếp tục giữ vững vị trí xếp hạng Nhất chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh; đặc biệt là về hạ tầng, dữ liệu số, và ứng dụng/tiện ích thông minh… phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Tập trung kết nối và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan và địa phương và khai thác hiệu quả, tạo ra giá trị mới từ dữ liệu số...