Hà Nội: Đẩy nhanh chuyển đổi số để hướng đến xã hội số
Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về chuyển đổi số.
Xây dựng chính quyền số và công dân số là nền tảng vững chắc của nhiệm vụ chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn. Hà Nội đang tích cực từng bước triển khai các dịch vụ công trực tuyến, mang đến những trải nghiệm tiện ích, giảm thiểu chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp.
Theo UBND TP. Hà Nội, trong năm 2023, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì, vận hành hiệu quả các trang/cổng thông tin điện tử phục vụ yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định. Sau khi có hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông, TP. Hà Nội tổ chức triển khai các trang/cổng này đảm bảo theo quy định, đáp ứng yêu cầu.
Thành phố Hà Nội đẩy nhanh chuyển đổi số để hướng đến xã hội số
Đáng chú ý, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP. Hà Nội được xây dựng, đưa vào vận hành thử tại các đơn vị trực thuộc thành phố từ ngày 11/4/2023, đã đáp ứng đầy đủ chức năng và tính năng theo quy định, nhất là những yêu cầu mới về xác thực định danh điện tử cho công dân và doanh nghiệp, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo chỉ đạo của TP. Hà Nội.
Theo báo cáo, việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử; 100% hồ sơ hoàn thuế được xử lý điện tử. Đến nay, TP. Hà Nội đã cấp được 12.188 chữ ký số cho cán bộ, công chức. Thành phố đã thực hiện kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố với các bộ, ngành theo quy định.
Bên cạnh đó, TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ chữ ký số trên các hệ thống (hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống thông tin báo cáo) phục vụ xử lý công việc trên môi trường mạng và dịch vụ công trực tuyến, với 13.285 chữ ký số đã được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp cho cán bộ, công chức thuộc thành phố. Đến nay, hơn 41.000 chữ ký số miễn phí đã được các doanh nghiệp cấp cho công dân Hà Nội để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử.
Đặc biệt, kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về quy định hành chính thông qua ứng dụng zalo trong năm qua cũng tiếp tục được duy trì vận hành, nhằm góp phần nâng cao Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước.
Theo Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và chuyển đổi số TP. Hà Nội, Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/9/2023 về chuyển đổi số, xây dựng TP. Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến 2030, xác định rõ những chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện về phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đến nay, các chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025 đã hoàn thành và đạt được một số kết quả nổi bật như: 100 xã, phường, thị trấn đã có hạ tầng cáp quang; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đến hộ gia đình đạt tỷ lệ 93,15%; số thuê bao di động là băng rộng đạt tỷ lệ 121%; số thuê bao băng rộng cố định trên 100 dân đạt tỷ lệ 27,3%; tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng ít nhất 1 điện thoại thông minh đạt 122,7%; tỷ lệ thuê bao di động sử dụng Smartphone trên tổng số thuê bao điện thoại đi động đạt 81,7%...
Nhằm giúp doanh nghiệp nhận thức rõ tầm quan trọng của an toàn thông tin, những cơ hội và thách thức của việc đảm bảo an toàn thông tin cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số TP. Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo “An toàn thông tin cho Doanh nghiệp trong kỷ nguyên chuyển đổi số” để tạo điều kiện kết nối, trao đối kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục hướng dẫn các huyện theo chương trình xây dựng nông thôn mới về triển khai những mô hình thôn thông minh, xã thông minh, trong đó tập trung các nội dung phát triển kinh tế số và xã hội số; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ Thông tin và Truyền thông để học tập kỹ năng số.
Trước đó, nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triến kinh tế số của toàn thành phố, khuyến khích người dân, các tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh trên địa bàn quận, đặc biệt tại các tuyến phố đi bộ tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Sở Công Thương TP. Hà Nội cũng đã tổ chức sự kiện “Phát động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”- một trong những hoạt động tiêu biểu trong chuỗi hoạt động, sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi Quốc gia 10/10, “Tháng 10 - Tháng Tiêu dùng số” và mở đầu cho triển khai diện rộng thanh toán không dùng tiền mặt tại 100% quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô.
Năm 2024, Hà Nội xác định chuyển đổi số với chủ đề của năm “Quản trị dựa trên dữ liệu số”. Theo đó, thành phố cùng chung tay, quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, với mục tiêu hướng tới người dân, doanh nghiệp đều có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng, an toàn các dịch vụ công, các ứng dụng số, nền tảng số, được cung cấp thông tin đầy đủ, được phục vụ kịp thời, hiệu quả, quyết tâm xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô Văn hiến, Thủ đô di sản với 8 đặc trưng: Thành phố toàn cầu - Thanh lịch hào hoa - Phát triển hài hòa - Thanh bình thịnh vượng - Chính quyền phục vụ - Doanh nghiệp cống hiến - Xã hội niềm tin - Người dân hạnh phúc.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, với quyết tâm đến năm 2030 xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu cho TP. Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi số tại 13 đơn vị trên cả 3 trụ cột là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, với tổng cộng 39 mô hình. TP Hà Nội cũng triển khai thí điểm các mô hình chuyển đổi số tại 10 quận, huyện.