Hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử
Bắc Kạn đang đầu tư vào các sản phẩm nông sản theo hướng chế biến sâu, liên kết chuỗi, quy hoạch vùng nguyên liệu phát triển bền vững và hỗ trợ đưa nông sản, các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.
Với 7 dân tộc cùng chung sống, Bắc Kạn là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Thực hiện chủ trương không để ai bị bỏ lại phía sau, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng triển khai đồng bộ các chương trình, dự án, giải pháp nhằm xoá đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Với đặc thù là tỉnh nông nghiệp, địa phương đã chuyển dịch theo hướng đổi mới cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại mùa vụ đặc biệt sản xuất hàng hoá trở thành lựa chọn hàng đầu của người dân.
Các chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi... đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào DTTS từng bước vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế được hình thành, phát triển thu về những kết quả ngoài mong đợi.
Song song với đó, tỉnh Bắc Kạn cũng đang chú trọng triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, phát triển các mặt hàng nông sản, đặc biệt là sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) theo hướng củng cố số lượng, nâng cao chất lượng.
Cùng với việc nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm xúc tiến, quảng bá, đưa thương hiệu, sản phẩm OCOP của địa phương có mặt trên nhiều thị trường trong, ngoài nước.
Được biết hiện toàn tỉnh có 182 sản phẩm OCOP được công nhận, toàn bộ sản phẩm OCOP đều được tỉnh hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử VoSo và sàn thương mại điện tử Postmart.
Mới đây nhất, HTX Tài Hoan và HTX Nông nghiệp Tân Thành đã có sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Alibaba một trong 10 sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới.
Bắc Kạn đang đầu tư vào các sản phẩm nông sản theo hướng chế biến sâu, liên kết chuỗi, quy hoạch vùng nguyên liệu phát triển bền vững, từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu, đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết hợp tác…
Sản phẩm OCOP Bắc Kạn được quảng bá trên các nền tảng xã hội.
Để làm được điều này, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng sản xuất chế biến quy mô lớn.
Ngoài ra, tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai, thuế, lao động, tín dụng… mời gọi các nhà đầu tư đến Bắc Kạn để sản xuất và chế biến nông sản chất lượng cao.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử có ý nghĩa quan trọng giúp đẩy nhanh tiêu thụ các mặt hàng nông sản.
Thực tế cho thấy, đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử là một trong những giải pháp kịp thời giúp mở rộng kênh tiêu thụ cho nông sản, nhất là khi các kênh tiêu thụ truyền thống bị thu hẹp.
Tuy nhiên, do tiêu thụ hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử là một phương thức còn khá mới mẻ với người nông dân, đặc biệt là bà con ở các tỉnh miền núi nên cần có sự hỗ trợ nhiều hơn để họ quen với phương thức này.
Do đó, chính quyền tỉnh Bắc Kạn đã rất kịp thời hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản trong suốt thời gian vừa qua.
Theo lãnh đạo địa phương, để chuyển đổi số nông nghiệp thành công cần đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất.
Người nông dân ngoài chủ động học hỏi nâng cao vai trò của người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp, có thể chủ động lên sàn, giao lưu với người mua, giới thiệu những đặc tính khác biệt của sản phẩm để có giá trị cao hơn.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp tại tỉnh miền núi này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới, đột phá, nâng cao hiệu quả sản xuất; thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong chuỗi sản xuất từ người nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh vươn lên bắt kịp xu thế của tương lai.