Hướng dẫn truyền thông, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản ở Thanh Hóa
Nằm trong chuỗi sự kiện kết nối cung – cầu, Sở NN&PTNT Thanh Hóa phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam có buổi tập huấn hướng dẫn kỹ năng truyền thông và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản.
Tham dự buổi tập huấn có đại diện các sở, ngành, đơn vị có liên quan và hơn 100 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Viết Chọn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, hội nghị tập huấn, hướng dẫn kỹ năng truyền thông và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của tỉnh là một trong các hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kết nối cung - cầu năm nay.
Toàn cảnh Hội nghị tập huấn, hướng dẫn kỹ năng truyền thông và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản.
Nhận thấy việc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp là nhu cầu tất yếu, giúp cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Qua đó, giúp lãnh đạo doanh nghiệp ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn, tối ưu hóa được hiệu quả sản xuất…
Từ năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông sản nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Các chuyên gia hướng dẫn tạo tài khoản bán hàng trên website sàn thương mại điện tử Postmart.vn
Theo đó, Sở NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 17 hội nghị hướng dẫn vận hành và bán hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn với 2.370 người; in ấn cấp phát 2.100 sổ tay hướng dẫn quy trình, yêu cầu đưa sản phẩm nông sản, thực phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động nắm bắt cơ hội, đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử uy tín như: Sendo, Shoppe, Lazada, Postmart, Voso…
Đến nay đã có trên 180 doanh nghiệp, 11 hợp tác xã và gần 150 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, sản phẩm OCOP đã thực hiện quảng bá và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử với trên 500 sản phẩm khác nhau.
Sản lượng tiêu thụ sản phẩm nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử ước tính đạt khoảng 25 - 30 % sản lượng bán hàng của các doanh nghiệp.
Một gian hàng nông sản của huyện Cẩm Thủy.
Theo ông Chọn, bên cạnh những cái đạt được, kết quả trên vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mới tiếp cận tham gia sàn thương mại điện tử nên còn bỡ ngỡ; hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing, kiến thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và thực hiện quy trình đóng gói, bảo quản sản phẩm, hay cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng còn hạn chế.
“Để phát huy tối đa trên sàn giao dịch điện tử, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương mở các lớp đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân các nội dung liên quan đến chuyển đổi số, thương mại điện tử”, ông Chọn nhấn mạnh.
Triển lãm kết nối cung - cầu tỉnh Thanh Hóa.
Sở NN&PTNT đã phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn kỹ năng truyền thông và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của tỉnh. Mục đích, hướng dẫn xây dựng kế hoạch truyền thông, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của doanh nghiệp, đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn; Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp - hợp tác xã.
Thông qua hội nghị, chuyên gia đến từ Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cũng đã hướng dẫn các chủ thể xây dựng thương hiệu sản phẩm. Các đại biểu được hướng dẫn đăng ký, tạo tài khoản bán hàng trên website sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Cùng với đó, các chuyên gia cũng thông tin tới các doanh nghiệp, HTX, chủ thể sản xuất kinh doanh của tỉnh quy trình xử lý đơn hàng, thanh toán đối soát, hướng dẫn bọc và giao hàng theo quy chuẩn…