Lợi ích thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học

Việc chuyển từ thu nộp tiền học trực tiếp sang thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích cho cả phụ huynh và nhà trường.

0b1cbffc-1cba-4f6c-9004-0d16b4b1eca1(1).jpeg

Kế toán Trường THCS Việt Hoà đang hướng dẫn giáo viên sử dụng phần mềm thanh toán tiền học.

Tiện ích

Trước đây, chị Lê Thị Hiền ở TP Hải Dương vẫn phải đến trường nộp trực tiếp các khoản tiền học cho con. Là công nhân nên nhiều khi chị bận, khó đến trường trong giờ hành chính. Nay chỉ cần vài thao tác đơn giản trên chiếc điện thoại thông minh, chị đã có thể nộp được các khoản tiền này.

“Từ khi trường triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, chúng tôi có thể nộp tiền bất kỳ lúc nào và không phải lo lắng khi con cầm tiền mặt đến trường”, chị Hiền cho biết.

Trước đây, mỗi lần đến kỳ thu học phí và các khoản thu khác, cán bộ, giáo viên Trường THCS Lai Cách (Cẩm Giàng) vất vả vì phải trực tiếp viết phiếu thu, đối soát, thu tiền và ký nhận.

Với gần 900 học sinh, việc thu tiền cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian làm công tác chuyên môn của thầy cô. Từ năm học 2023-2024, trường đã triển khai việc thu học phí không dùng tiền mặt qua ứng dụng JETPAY.

Cô giáo Vũ Thị Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Lai Cách cho biết phương thức thanh toán này có nhiều lợi ích. Hệ thống phần mềm JETPAY sẽ kết nối giữa kế toán - hiệu trưởng - phụ huynh. Kế toán nhà trường lập khoản thu, xuất hóa đơn; hiệu trưởng giám sát; phụ huynh nhận thông báo và nộp tiền trực tuyến.

Sau khi nộp, phụ huynh nhận ngay được thông báo. Giáo viên chủ nhiệm, kế toán tiết kiệm thời gian thu, kiểm đếm tiền, ghi chép sổ sách, nộp tiền ngân hàng; tránh rủi ro sai sót, thất thoát, tiền giả...

“Hình thức thanh toán này bảo đảm công khai, minh bạch tài chính, giúp nhà trường quản lý các khoản thu khoa học, hiệu quả hơn”, cô Đức cho biết.

Năm học 2023-2024, Trường THCS Tứ Minh (TP Hải Dương) có hơn 1.100 học sinh, trong đó có tới 30% là con em công nhân. Thầy giáo Nguyễn Việt Hoà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết trường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt từ học kỳ II năm học 2022-2023. Thông qua ứng dụng SISAP, phụ huynh có thể đóng các khoản tiền học cho con mà không cần đến trường.

“Với hiệu trưởng thì có thể nắm bắt tức thời tình hình nộp tiền học của học sinh theo từng lớp, khối, toàn trường để đôn đốc nhắc nhở và có chỉ đạo kịp thời”, thầy Hoà nói.

dcd472cd-d238-4fc0-b295-8b2f99086b33(1).jpeg

Thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học giúp phụ huynh có thể nộp tiền cho con mọi lúc, mọi nơi.

Còn trở ngại tâm lý

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Hải Dương, ngay từ tháng 9/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai thực hiện trong toàn ngành.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền, khuyến khích, vận động, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức, phụ huynh thanh toán học phí và các khoản dịch vụ giáo dục qua hệ thống ứng dụng phần mềm, không dùng tiền mặt.

Các cơ sở giáo dục phối hợp với ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan để triển khai nội dung này. Ưu tiên các ngân hàng, tổ chức tín dụng có chính sách hỗ trợ tốt như tài trợ chi phí khởi tạo, phí duy trì hằng năm và các chính sách hỗ trợ khác.

Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cho biết đã yêu cầu 100% cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh phải thực hiện thanh toán học phí và các khoản thu bằng phương thức không dùng tiền mặt, sử dụng thống nhất phần mềm EMIS để quản lý, theo dõi.

Sở đã tổ chức 13 lớp tập huấn hướng dẫn triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho 100% chủ tài khoản và kế toán các trường học.

Các trường đã xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động phụ huynh chung tay với nhà trường thực hiện chuyển đổi số. Cán bộ, giáo viên được tập huấn kỹ. Giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh học sinh quy trình thanh toán.

Tuy nhiên đến đầu tháng 11, vẫn chưa có số liệu cụ thể về số trường đã dùng hình thức thanh toán này.

Tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được đa số phụ huynh học sinh đồng tình, triển khai áp dụng. Tuy nhiên vẫn còn không ít trở ngại, trong đó có tâm lý ngại chuyển đổi của số ít trường học, giáo viên, phụ huynh. Hiện còn nhiều trường vẫn chưa chọn được phần mềm ứng dụng thanh toán.

Theo một số hiệu trưởng nhà trường, sau một thời gian triển khai đã bộc lộ khó khăn như có phụ huynh ngại thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt.

Nhiều phụ huynh chưa thể sử dụng phương thức này, nhất là ở khu vực nông thôn, gia đình khó khăn. Do đó, nhiều trường vẫn vừa thực hiện thu trực tiếp, vừa trực tuyến.

Theo Báo Hải Dương