Quảng Ninh: Một thập kỷ đột phá cải cách hành chính vì sự hài lòng của người dân
Từ năm 2013, Quảng Ninh ưu tiên dồn nguồn lực để xây dựng một nền hành chính hiệu quả, thống nhất, tập trung, hiện đại, tương xứng với tiềm năng cũng như tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
10 năm xây dựng nền hành chính vì dân
Năm 2013, Quảng Ninh bước vào năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh (2010-2015), Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
2013 cũng là năm tỉnh Quảng Ninh tạo bước chuyển đổi mạnh mẽ của mô hình tăng trưởng mới, cụ thể hoá 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh là hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, Quảng Ninh đã ưu tiên dồn nguồn lực quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiệu quả, thống nhất, tập trung, hiện đại, tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia
Ngay đầu năm 2013 UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng chính quyền điện tử và trung tâm hành chính công. Quảng Ninh đồng thời thành lập và đưa vào hoạt động mô hình trung tâm hành chính công tỉnh và 5 trung tâm hành chính công cấp huyện (Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả, Vân Đồn).
Theo đó, các thủ tục hành chính khi đưa vào thực hiện tại các trung tâm hành chính công đã được rà soát, cắt giảm 40% lượng thời gian giải quyết so với thời gian quy định của pháp luật. Tỉnh cũng đã kiểm soát chất lượng và cập nhật 343 thủ tục hành chính vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính, góp phần công khai, minh bạch trong phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi cho cán bộ công chức viên chức và cá nhân, tổ chức tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định.
Sau chưa đầy 1 năm vận hành, các trung tâm đã giải quyết cơ bản mọi yêu cầu của tổ chức, công dân. Số hồ sơ được giải quyết đúng hạn tại Trung tâm Hành chính công tỉnh đạt trên 99,4%, tại trung tâm hành chính công cấp huyện đạt 97,7%.
Theo đánh giá của Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, triển khai mô hình trung tâm hành chính công đã giúp nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính công; tính minh bạch của các cơ quan, đơn vị được đảm bảo và tăng cường; sự phiền hà, chi phí không chính thức cũng như thời gian công sức của người dân và các tổ chức giảm rõ rệt.
Người dân quét mã QR để thanh toán dịch vụ tại Trung tâm Hành chính công TX. Quảng Yên
Mô hình thí điểm trung tâm hành chính công là bước cụ thể hóa quan trọng đầu tiên của Quảng Ninh trong chiến lược đẩy mạnh CCHC thu hút nguồn lực đầu tư vào tỉnh. Đây cũng là mô hình thí điểm đầu tiên trong cả nước thực hiện dịch vụ trong việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước đối với tổ chức và người dân.
Song song đó, tỉnh Quảng Ninh dành nhiều nguồn lực cho việc hiện đại hóa nền hành chính công, tiếp tục triển khai sâu rộng các nội dung Đề án xây dựng Chính quyền điện tử, như: Vận hành và nâng cấp hệ thống, chất lượng của Cổng Thông tin điện tử tỉnh; đảm bảo hoạt động ổn định và hiệu quả hoạt động của Hệ thống thư điện tử của Quảng Ninh; xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tại các sở, ngành, cấp huyện, cấp xã của 4 địa phương Móng Cái, Uông Bí, Tiên Yên, Vân Đồn...
5 bước tại chỗ, 5 bước trên môi trường điện tử
Sau 1 thập kỷ kiên trì xác định CCHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp chính quyền địa phương và của cả hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều đột phá trong CCHC. Toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện “5 bước tại chỗ”, “5 bước trên môi trường điện tử” thông qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Theo đó, quy trình giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết.
Nhờ “5 bước tại chỗ”, “5 bước trên môi trường điện tử”, thời gian giải quyết thủ tục hành chính ở tỉnh Quảng Ninh được cắt giảm từ 40-60% so với quy định của Trung ương. Đặc biệt, một số thủ tục liên quan trực tiếp đến hoạt động thu hút đầu tư như chấp thuận chủ trương, phê duyệt địa điểm đầu tư... được cắt giảm trên 70% thời gian, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Hiện 100% số thủ tục hành chính ở cấp tỉnh đủ điều kiện (tương đương 1.367 thủ tục) đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 908 thủ tục được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị Hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến và chuyển đổi số cho doanh nghiệp, tháng 9/2023
Điều đặc biệt, quy trình 5 bước trên môi trường điện tử gắn với áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết thủ tục hành chính không chỉ giúp giảm chi phí, thời gian giao dịch, tối ưu hóa quy trình này theo hướng thuận tiện, nhanh chóng, cắt giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; mà còn tạo sự công khai, minh bạch trong cơ chế kiểm tra, giám sát, ngăn chặn hiện tượng quan liêu nhũng nhiễu trong một bộ phận cán bộ công chức khi giải quyết thủ tục hành chính. Từ đó, xây dựng nền hành chính có năng lực kiến tạo môi trường thông thoáng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.
Những đột phá CCHC, được thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn đã góp phần đưa Quảng Ninh trở thành "sao sáng" chuyển đổi số của cả nước. Năm 2022, lần thứ hai Quảng Ninh đạt vị trí dẫn đầu toàn quốc cả 4 chỉ số PCI, SIPAS, PAR INDEX, PAPI; trong đó, duy trì 4 năm liên tiếp dẫn đầu Bảng xếp hạng Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) (2019 - 2022); 4 năm dẫn đầu cải cách hành chính PAR INDEX (năm 2018 - 2020 và 2022) và 2 năm dẫn đầu vị trí xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Năm 2023, Quảng Ninh nỗ lực triển khai Nghị quyết số 124 NQ-HĐND, ngày 4/11/2022, về một số giải pháp đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, ghi nhận thêm những thành tựu nổi bật như: Tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia thuộc top đầu cả nước, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình là một trong những địa phương đứng đầu cả nước, tỷ lệ số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cao nhất nước.