Thái Nguyên: Nâng cao năng lực cán bộ về chuyển đổi số trong nông thôn mới

Với chủ trương nâng cao chất lượng công tác xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Nguyễn đã triển khai nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng.

Những năm gần đây, nhờ triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nhiều vùng quê ở tỉnh Thái Nguyên đã có sự thay đổi rõ rệt. Phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng lan tỏa rộng rãi, đi vào chiều sâu và phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành việc thẩm định và trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022; hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2023.

Đến nay, toàn tỉnh hiện có 108/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 85,7% tổng số xã; 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 88 xóm nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân đạt 18,2 tiêu chí/xã và không có xã dưới 10 tiêu chí.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương đang tiếp tục tiến hành rà soát, hỗ trợ 11 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới; 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

thai-nguyen-1-1.jpg

Lớp tập huấn được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. 

Ngày 24/5/2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg công nhận huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, chính thức đưa tỉnh Thái Nguyên đến thời điểm hiện nay có 4 địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gồm thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thành phố Phổ Yên và huyện Phú Bình.

Với chủ trương nâng cao chất lượng công tác xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Nguyễn đã triển khai nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng.

Trên tinh thần đó, từ ngày 11 – 15/10, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

Dự lớp tập huấn có đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Giảng viên Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp, Đại học Thái Nguyên; lãnh đạo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Lớp tập huấn được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Thành phần tham dự trực tiếp gồm 180 người là cán bộ tham mưu triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới các huyện, thành phố; lãnh đạo UBND xã phụ trách triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; bí thư chi bộ, trưởng xóm tại các xã xây dựng mô hình điểm xã nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh và gần 1.000 cán bộ, học viên tại hơn 50 điểm cầu trực tuyến.

Chương trình nhằm nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng, thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, chương trình nhằm tạo điều kiện cho các học viên có cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm thực tế thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh, phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình chuyên đề có hiệu quả trong và ngoài tỉnh, gắn việc học tập lý luận với thực tiễn giúp các học viên nâng cao năng lực chuyên môn.

Từ ngày 11 - 12/10, các học viên sẽ được tập huấn về lý thuyết. Từ ngày 13 – 15/10, các học viên sẽ tham quan, học tập kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới và các chương trình chuyên đề ngoài tỉnh (một số mô hình chuyển đổi số, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh, OCOP xanh, du lịch nông thôn…).

Nhiều nội dung được đưa ra thảo luận và trao đổi như: Thực trạng và giải pháp triển khai Chương trình chuyên đề chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới tại các xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông nghiệp và sản phẩm phẩm OCOP; phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuyển đổi số; giải pháp chuyển đổi số đối với hợp tác xã nông nghiệp; đồng bộ hóa dữ liệu và quy trình sản xuất tại VONACOOP…

Tham luận tại chương trình tập huấn, TS.Nguyễn Tiến Dũng, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp, Đại học Thái Nguyên cho biết, bên cạnh những thành tựu, ứng dụng chuyển đối số trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng hiện gặp một số khó khăn nhất định.

Ông Dũng đề xuất một số giải pháp công nghệ cụ thể như: Hoàn thiện một hệ thống đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm viễn thông, mạng lưới truyền thông và hệ thống điện. Tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý đề xuất và thực thi các chính sách, thích ứng với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, ứng phó nhanh với tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, kết nối cung - cầu phát triển thị trường nông sản. Tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ và các đơn vị Chính phủ, nông dân và cộng đồng nông thôn.

Th.S Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc Hợp tác xã Trà Sơn Dung, một trong những giải pháp quan trọng để chuyển đổi số trong hợp tác xã nông nghiệp là xây dựng và phát triển hệ thống quản lý thông tin nông nghiệp. Bên cạnh đó, các hợp tác xã nông nghiệp cần đảm bảo rằng có đủ kiến thức về công nghệ và đủ nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng số. Đồng thời, các hợp tác xã nông nghiệp cần phát triển thị trường trực tuyến; quản lý chuỗi cung ứng; sử dụng robot tự động; sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và tạo các chương trình thúc đẩy sử dụng công nghệ...

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số. Điển hình như Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về Chương trình chuyển đổi số, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 154/KH-UBND ngày 15/10/2022 về việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025...

Trong đó, Thái Nguyên ưu tiên tập trung chuyển đổi số trong các lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp thông minh.

Theo Vietnamnet