Thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 2/12, tại TP Cần Thơ, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức diễn đàn “Logistics và chuyển đổi số cho Đồng bằng sông Cửu Long”. Diễn đàn nhằm tìm ra những định hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành logistics, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL và cả nước.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, năm 2023, mặc dù kinh tế thế giới và Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Chính phủ, sự tích cực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là nỗ lực của cộng đồng DN, ngành logistics Việt Nam đã khắc phục vượt khó, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất nhập khẩu chung của cả nước.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tạo ra chuyển biến mới cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, những đột phá về trí tuệ nhân tạo đã mở ra cơ hội cho các DN tăng hiệu suất, giảm chi phí. Ngành logistics cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Xuất phát từ những lợi ích của chuyển đổi số (CĐS) trong logistics, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030, đã xác định logistics là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên để CĐS.
Mặc dù lợi ích mang lại từ CĐS là rất rõ ràng nhưng quá trình CĐS trong logistics ở VN vẫn còn nhiều khó khăn ở các cấp độ vĩ mô và vi mô, cả ở các cơ quan Nhà nước, các địa phương và DN.
Vùng ĐBSCL là địa bàn chiến lược, quan trọng và là một trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước
“Tiềm năng và nhu cầu đối với thị trường logictics của vùng là rất lớn. Tuy nhiên hiện nay, hạ tầng, năng lực dịch vụ logictics tại khu vực này còn nhiều hạn chế chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Vì thế, cùng tìm ra những định hướng, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics, thu hút sự quan tâm của các DN lớn đầu tư về logistics tại khu vực giàu tiềm năng này đã và đang là yêu cầu cấp thiết”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Liên quan đến vấn đề CĐS trong ngành logictics, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương cho rằng, sự phát triển của thị trường logistics tạo ra rất nhiều cơ hội cho các DN và dịch vụ logistics. Đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Bởi CĐS là giải pháp và là xu hướng tất yếu nâng cao năng lực cạnh tranh của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Logistics được coi là xương sống trong chuỗi cung ứng của nền kinh tế. Do đó, yêu cầu CĐS trong ngành logistisc không nằm ngoài xu thế chung của toàn bộ nền kinh tế.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, CĐS trong ngành logistics mang lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế, góp phần tối ưu hiệu quả các hoạt động hạ tầng logistics đã được đầu tư; giảm chi phí logistics. CĐS trong logistics không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ của VN trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
ĐBSCL là vùng trọng điểm nông, thủy sản lớn nhất cả nước, nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics, việc hình thành phát triển các trung tâm công nghiệp, trung tâm logistics, dịch vụ cảng biển gồm hệ thống kho hàng, bến bãi … sẽ làm gia tăng giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu cho cả vùng.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết, tốc độ tăng trưởng của dịch vụ logictics của Cần Thơ đạt từ 10 -15% /năm, khối lượng hàng hóa tăng mạnh, doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải… đều tăng so với cùng kỳ; hệ thống giao thông trên địa bàn được đầu tư, nâng cấp, từng bước hoàn thiện.
TP Cần Thơ đã quy hoạch, xây dựng các khu logistics tập trung có quy mô lớn gắn với khu công nghiệp, cảng biển, sân bay quốc tế Cần Thơ. Trọng tâm là dự án Trung tâm logistics hạng II, gắn với cảng Cái Cui, Trung tâm logistics hàng không gắn với sân bay quốc tế Cần Thơ.
Triển khai thực hiện dự án xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An để tàu có tải trọng 10 – 20 ngàn tấn vào cảng Cần Thơ. Bên cạnh đó, tập trung phối hợp thực hiện hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, các tuyến cao tốc liên kết vùng.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn HIếu cho biết, Cần Thơ đang nỗ lực xây dựng phát triển ngành logistics.
Đánh giá cao sự phát triển của ngành logistics, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, ngành logistics đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành kinh tế. DN của ngành logistics không ngừng tăng về số lượng và mở rộng về quy mô. Đến cuối năm 2021, có khoảng 35 ngàn DN và hơn 560 ngàn lao động, giai đoạn 2020 -2022, ngành này thu hút 203 dự án. Việt Nam thuộc top 10 trong số 50 thị trường mới nổi về logistics của thế giới.
Tuy nhiên, ngành logistics cả nước và vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với điều kiện và tiềm năng phát triển. Chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8 - 17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới là 10,6%. Hạ tầng logistics còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết; quy hoạch cảng biển còn bất cập, chưa có cảng đầu mới, các trung tâm logistics lớn quy mô khu vực và quốc tế; sự liên kết giữa các phương thức vận tải, năng lực vận tải thủy còn thấp; CĐS số của hầu hết các DN logistics vẫn ở trong giai đoạn đầu và chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Để thúc đẩy phát triển CĐS ngành logistics của ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng chuyên đề đánh giá sâu về thực trạng và định hướng các hoạt động logistics hiệu quả, bền vững nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc;
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án phát triển logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2045; các địa phương vùng ĐBSCL phối hợp các bộ, ngành triển khai phát triển hệ thống logistics, triển khai xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ dịch vụ logistics hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội địa phương.