Ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quản lý khám, chữa bệnh
Chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng chung hiện nay và ngành y tế cũng không ngoại lệ. Vì thế ngành xác định đây là hướng đi tất yếu trong lộ trình phát triển, là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đã nâng cao chất lượng chuyên môn tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Với ưu thế là bệnh viện được đầu tư xây dựng mới đồng bộ, hiện đại để hướng đến xây dựng “bệnh viện thông minh”, Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác chuyên môn, đặc biệt là công tác khám, chữa bệnh (KCB) và thanh toán BHYT, quản lý điều hành. Theo đó, bệnh viện đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử trong cơ quan Nhà nước trực thuộc Sở Y tế; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quy trình KCB, vào phát triển chuyên môn sâu chuyên ngành ung bướu, mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh ung thư. CNTT cũng đã trở thành công cụ hữu ích cho cải cách hành chính, rút ngắn thời gian KCB, giảm quá tải, nâng cao hiệu suất làm việc, giải quyết, xử lý nhanh công việc. Cùng với đó, công tác triển khai KCB bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp đã được bệnh viện thực hiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đến KCB.
Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, xác định CĐS là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết phải thực hiện trong quá trình phát triển, bệnh viện đã có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực, kinh phí đầu tư đồng bộ, phấn đấu hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới loại bỏ bệnh án giấy, thực hiện bệnh viện không giấy tờ, bệnh viện thông minh.
Việc thực hiện CĐS cũng đang được triển khai mạnh mẽ ở các tuyến y tế cơ sở. Trong đó, nâng cấp hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu sử dụng phần mềm chạy trên nền tảng điện toán đám mây, kết nối liên thông dữ liệu 4 cấp từ trạm y tế xã lên đến Bộ Y tế và với các đơn vị liên quan đang được các đơn vị đặc biệt quan tâm. Các trạm y tế xã, phường, thị trấn cũng đang tập trung triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân và phần mềm quản lý y tế cơ sở, tạo thuận lợi hơn cho công tác KCB.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc Hoàng Văn Minh, chia sẻ: Xác định đẩy mạnh ứng dụng CNTT là tiền đề góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chương trình CĐS trong lĩnh vực y tế, trong thời gian qua cùng với nâng cao chất lượng chuyên môn, bệnh viện đã tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị, xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin bệnh viện, dần tự động hóa các quy trình thủ tục KCB, hệ thống phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm, phần mềm quản lý chẩn đoán hình ảnh, đảm bảo khả năng tích hợp kết nối chia sẻ dữ liệu.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Cẩn, quyền Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, cho biết: "Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác CĐS và việc triển khai Đề án 06, ngành y tế đã tích cực tham gia, chỉ đạo hệ thống y tế triển khai các hoạt động CĐS trong chăm sóc sức khỏe người dân, phòng, chống dịch bệnh với mục tiêu lấy con người là trung tâm trong môi trường số. Sở Y tế đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc ban chỉ đạo CĐS và thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Trên cơ sở đó, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch CĐS và thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ, thời gian thực hiện, trách nhiệm hoàn thành và phân công nhiệm vụ các thành viên ban chỉ đạo. Xây dựng kế hoạch phát triển, ứng dụng CNTT, CĐS năm 2023 của Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa. Ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện việc xác định, phân loại và phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ của các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý; liên thông dữ liệu vào cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm; KCB bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp; thanh toán không dùng tiền mặt... tại tất cả các cơ sở y tế trong toàn tỉnh".
Tính đến thời điểm hiện tại, có 646 cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh được Sở Y tế cấp mã liên thông cơ sở, 3.825 bác sĩ được cấp mã liên thông bác sĩ; 456 cơ sở đã tiến hành liên thông đơn thuốc lên hệ thống đơn thuốc quốc gia; tổng số đơn thuốc được liên thông đến thời điểm hiện tại là 3.135.449. Hướng dẫn các đơn vị thực hiện cập nhật, chuyển dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử lên Cổng giám định BHYT liên thông phục vụ Đề án 06. Các văn bản được gửi đến các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh có khám và cấp giấy khám sức khỏe người lái xe, yêu cầu 100% cơ sở thực hiện liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe các trường hợp đủ điều kiện sức khỏe lên Cổng giám định BHYT theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế. Kết quả, đến nay toàn tỉnh có 40 cơ sở KCB được công bố đủ điều kiện khám và cấp giấy khám sức khỏe lái xe, 38/40 cơ sở đã thực hiện liên thông 23.465 giấy khám sức khỏe cho người lái xe; 50 cơ sở y tế thực hiện liên thông 15.240 giấy chứng sinh (tăng 1.174 giấy chứng sinh); 14 cơ sở y tế thực hiện liên thông 42 giấy báo tử.
Tại cơ quan Sở Y tế, hiện nay đã thực hiện quản lý văn bản và hồ sơ công việc hoàn toàn trên môi trường mạng, 100% văn bản đến được tiếp nhận và luân chuyển trên hệ thống, 100% các văn bản đi đều được ký số ban hành. 71/71 đơn vị y tế cũng đã triển khai và duy trì thực hiện quản lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường mạng. 678/678 cơ sở y tế đã triển khai việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ BHYT trong KCB, đạt tỷ lệ 100%. Hiện đã có 5.423.053 lượt tra cứu; trong đó lượt tra cứu thành công là 3.645.136 lượt, đạt tỷ lệ 67,2%. Số lượng căn cước công dân được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi KCB bằng căn cước công dân là 3.043.020. Các bệnh viện cũng đã áp dụng triệt để việc CĐS trong kết nối trực tuyến để đào tạo nâng cao nghiệp vụ, chuyển giao kỹ thuật theo kiểu cầm tay chỉ việc, đặc biệt là hội chẩn từ xa với các chuyên gia tuyến Trung ương để xử lý những ca bệnh khó, thay cho việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.