Doanh nghiệp hưởng lợi từ thành tựu chuyển đổi số thuế, hải quan
Ngành thuế và hải những năm trở lại đây đã đạt được thành tựu đáng kể trong công cuộc chuyển đổi số, được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, suốt 7 năm liên tiếp, Bộ này luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index). Năm 2022, theo chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI), Bộ Tài chính đứng ở vị trí số 2 trong số các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công.
Trong lĩnh vực thuế, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63 tỉnh thành và tất cả các Chi cục Thuế trực thuộc. Hơn 99% doanh nghiệp sử dụng hệ thống khai, nộp và hoàn thuế điện tử. Còn đối với lĩnh vực hải quan, hơn 250 thủ tục hành chính đã được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia...
Ngoài ra, ngành hải quan đã cung cấp 200/236 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4, chiếm 84,7% số thủ tục hành chính do hải quan thực hiện; trong đó có 194 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 bao gồm các thủ tục hành chính cốt lõi liên quan đến thông quan hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu. Hải quan cũng đã hoàn thành việc tích hợp 72 dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hải quan vào Cổng dịch vụ công quốc gia.
Dựa trên những thành tựu đã đạt được, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế cho hay, ngành luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp và tập trung, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ điện tử và hướng tới mục tiêu của Chính phủ số.
Với phương châm tập trung vào người dân và doanh nghiệp, ngành thuế đã và đang triển khai nhiều dự án và nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, một trong những điểm nổi bật trong quá trình chuyển đổi số của ngành thuế là triển khai hóa đơn điện tử. Hóa đơn điện tử đã mang lại nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm chi phí cho xã hội.
Hóa đơn điện tử ngành thuế giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.
Về lĩnh vực hải quan, bà Nguyễn Thị Cúc đã nhấn mạnh sự phát triển xuất sắc của hệ thống kiểm tra và kết nối Internet trong quá trình kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Bà Cúc hi vọng trong tương lai, mã số công dân sẽ được sử dụng trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế và hải quan của công dân. Mã số công dân sẽ gắn liền suốt đời với công dân và được sử dụng cho các mục đích như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... Đây chính là bước tiến lớn trong việc thúc đẩy Chính phủ điện tử và phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Dưới góc độ Hiệp hội Doanh nghiệp, ông Nguyễn Bắc Hà, Trưởng Ban Hội viên và Đào tạo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc thực hiện "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã đạt được những kết quả rất rõ rệt. Trong trường hợp của Bộ Tài chính, cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế và hải quan đã đạt được những thành tựu quan trọng trong giai đoạn đầu của quá trình này.
Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị điện N.V.H - ông Nguyễn Văn Hiến chia sẻ: "Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cơ quan thuế, các doanh nghiệp đã tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí và công sức. Trước đây, việc quyết toán thuế thu nhập đòi hỏi nhiều thời gian di chuyển và chờ đợi thực hiện thủ tục hành chính. Nhưng bây giờ, doanh nghiệp có thể đặt lịch làm việc với cơ quan thuế hoặc cơ quan thuế hỗ trợ thông qua việc tiếp nhận hồ sơ quyết toán thuế qua bưu điện hoặc các hình thức điện tử”.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10 nhấn mạnh sự thuận tiện ngày càng tăng trong việc thực hiện thủ tục thuế, hải quan. Đặc biệt với hệ thống VNACCS/VCIS, doanh nghiệp có thể khai báo hải quan mọi lúc, mọi nơi, miễn là có máy tính và kết nối internet. Điều này đã đóng góp quan trọng trong việc giảm thời gian và chi phí của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, đảm bảo sự thông suốt trong hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 và khó khăn trong việc di chuyển xã hội.
Còn theo bà Phạm Hương Giang, Trưởng phòng Logistics, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Thái Tân, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nguyên liệu và phụ liệu sản xuất bia và nước giải khát chia sẻ, hiện đại hóa ngành thuế và hải quan đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất và kinh doanh của họ. Hệ thống thuế điện tử 24/7 giúp tiết kiệm thời gian và công sức đáng kể trong quá trình quản lý thuế và thực hiện các thủ tục hải quan.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá, chiến lược cải cách và quản lý thuế, hải quan cũng đã được ban hành cụ thể với các nội dung bài bản. Nhìn chung chuyển đổi số các lĩnh vực thuế, hải quan đã để lại nhiều ấn tượng.
Tuy nhiên cũng cần tự động hóa hơn nữa, trong đó, vẫn phải giảm thiểu rủi ro do sai sót và tác nghiệp. Cuối cùng là công nghệ, cần chọn loại công nghệ và đầu tư công nghệ như thế nào cho phù hợp; đây là bài toán cần phải tính toán rất kỹ lưỡng, gắn với các câu chuyện về công nghệ và an ninh mạng.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022. |