Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đổi mới tư duy chuyển đổi số
Chuyển đổi số đang len lỏi vào mọi ngõ ngách trong cuộc sống, và sản xuất kinh doanh cũng không nằm ngoài làn sóng đó. Bên cạnh những khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tận dụng triệt để các nguồn hỗ trợ để phát triển.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu cùng sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế 4.0, các doanh nghiệp liên tục phải đương đầu với những thử thách mới trong cuộc đua công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất kinh doanh, cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt đến từ đối thủ càng làm gia tăng áp lực cho doanh nghiệp. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp luôn là chiến lược phát triển được chú trọng hơn hết.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa trao đổi cùng các chuyên gia về vấn đề chuyển đổi số. Ảnh Duy Trinh
Theo TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, để đưa chuyển đổi số vào quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh không phải là dễ cũng không phải là khó quan trọng vẫn là người đứng đầu phải có tư duy đổi mới, tiếp cận nền tảng số công nghệ số, giải pháp số và quan trọng nhất là họ có sẵn sàng đầu tư không.
Chuyển đổi số không đơn thuần là chuyển đổi giấy tờ, thủ tục mà phải áp dụng lâu dài không có điểm kết thúc. Bắt đầu từ đội ngũ công nhân viên, nâng cao nhận thức cạnh tranh, mở rộng tệp khách hàng, xây dựng chuỗi giá trị cung ứng. Đồng thời tiết kiệm chi phí bán hàng, sản xuất, marketing, truyền thông, nhân sự.
Ngoài ra, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp theo dõi được quá trình sản xuất, kinh doanh, bán hàng, tài chính nhân sự từ đó đưa ra những sản phẩm xanh, sạch thân thiện với môi trường.
Bà Đinh Thị Thúy - Ủy viên Ban chấp hành doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, chuyển đổi số không chỉ là cài đặt những phần mềm trên điện thoại trên máy tính mà chuyển đổi số phải đáp ứng được tiêu chí ba không: Không giấy tờ tiêu biểu là chữ ký số; Không gặp mặt, có thể họp và giao việc trên phần mềm; Cuối cùng là không dùng tiền mặt.
Ngoài ra khi tham gia vào chuyển đổi số sẽ không sử dụng phần mềm một cách rời rạc mà phải là một nền tảng được kết nối với nhau từ bên trong lẫn bên ngoài.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Hoàng Văn Ngọc - Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ mới phát triển quốc tế KTS Group cho biết, chuyển đổi số là cơ hội vàng để đất nước và doanh nghiệp phát triển. Cần phải kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước doanh nghiệp và công nghệ. Để đem lại giá trị của chuyển đổi số làm giảm chi phí - tăng thị phần - tăng doanh thu - đúng xu thế - theo kịp thời đại. Vì vậy chuyển đổi không cần nhiều cơ sở vật chất mà cần thay đổi tư duy, chuyển đổi từ lãnh đạo cho tới phòng ban, thay đổi để phù hợp chứ không cứng nhắc.
Mặc dù được nhà nước quan tâm đầu tư rất nhiều cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn còn nhiều doanh nghiệp vẫn còn chần chừ trong việc áp dụng ứng dụng của chuyển đổi số.
Để chuyển đổi số thành công theo ông Ngọc, các doanh nghiệp cần phải chuyển đổi từ con người, công nghệ có hiện đại nhưng cán bộ, nhân viên doanh nghiệp không biết ứng dụng cũng sẽ không đem lại hiệu quả. Sau đó các doanh nghiệp cần chọn đúng quy trình với sự đồng hành cùng những chuyên gia doanh nghiệp công nghệ đủ uy tín để hỗ trợ không chỉ công nghệ mà còn đào tạo nâng cao kỹ thuật cho cán bộ nhân viên đồng thời áp dụng công nghệ tích hợp các phần mềm, ứng dụng văn bản báo cáo để doanh nghiệp có thể vận hành một cách trơn tru, đáp ứng tinh thần của chuyển đổi số.
Bà Đặng Thị Hương - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội cho biết, Trung tâm đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo chuyên sâu, tư vấn thủ tục đăng ký đầu tư. Áp dụng chuyển đổi số giúp tăng cường sản xuất doanh nghiệp cần có những chuyên gia để đồng hành.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022. |